Một thẩm phán tại thành phố New York (Mỹ) ngày 22/2 đã đưa ra phán quyết, không nhất trí việc chuyển 3,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan cho gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước tháng 8/2021, Mỹ và phương Tây đã đóng băng khối tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan gửi ở nước ngoài.
Đầu năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp cho phép sử dụng số tiền 7 tỷ USD này để phục vụ nhu cầu cứu trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan và đền bù cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Thẩm phán George Daniels đã đưa ra một tài liệu dài 30 trang lý giải vì sao các tòa án liên bang không có thẩm quyền thu giữ khoản tiền của Ngân hàng trung ương Afghanistan, do khoản tiền này không nằm trong phạm vi tài sản đền bù liên quan "vụ khủng bố 11/9."
[Afghanistan tiếp nhận thêm hàng chục triệu USD viện trợ nhân đạo]
Bên cạnh đó, Thẩm phán Daniels cho biết theo Hiến pháp, Mỹ không thể trao tài sản cho các gia đình nạn vì điều này đồng nghĩa với việc công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Ngân hàng trung ương Afghanistan đã hoan nghênh phán quyết trên, đồng thời cho biết tài sản này nhằm mục đích ổn định tiền tệ, củng cố hệ thống tài chính của Afghanistan và tạo thuận lợi cho thương mại của nước này với thế giới.
Hiện chính quyền Taliban ở Afghanistan vẫn chưa được quốc tế công nhận. Quốc gia Tây Nam Á đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất.
Theo số liệu từ các tổ chức viện trợ quốc tế, một nửa dân số của đất nước 38 triệu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, trong đó khoảng 4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng./.