Tăng chỉ tiêu biên chế

Năm 2012 chỉ tiêu biên chế tăng hơn 1400 người

Năm 2012, chỉ tiêu biên chế của cả nước tăng 1.449 người, trong đó các cơ quan TW chỉ tăng 39 người, còn lại giao cho 63 tỉnh, thành phố.
Năm 2012, chỉ tiêu biên chế của cả nước tăng 1.449 người, bằng 0,53% tốc độ tăng dân số năm 2010, trong đó các cơ quan Trung ương chỉ tăng 39 người, số còn lại giao cho 63 tỉnh, thành phố.

Bộ Nội vụ cho biết thông tin này tại buổi họp cung cấp thông tin định kỳ cho các cơ quan báo chí, chiều 26/12.

Theo Bộ Nội vụ, quy trình bổ sung tăng biên chế được làm rất chặt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký duyệt, các cơ quan, đơn vị được giao tăng biên chế phải có đề án xác định vị trí việc làm một cách thuyết phục, được chấp nhận thì mới được giao.

Nguyên tắc biên chế được xác định nhất quán là đảm bảo biên chế đúng và đủ. Đúng theo vị trí việc làm đã được xác định trong tổ chức, cơ quan đó, đúng theo chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, đủ theo số lượng cần thiết công việc đòi hỏi và đủ theo cơ cấu.

Theo Nghị định 21/2010/NĐ-CP, chỉ có 3 trường hợp được bổ sung biên chế, đó là lập tổ chức mới; tổ chức được tăng thêm nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền; chia tách đơn vị hành chính cấp huyện. Những trường hợp này đều phải có phê duyệt của Thủ tướng.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết hai Luật cán bộ công chức và Luật viên chức đã phân định rõ cán bộ công chức với viên chức, phân định rõ vị trí pháp lý của đội ngũ cán bộ công chức và viên chức, tạo cơ sở để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với tính chất và đặc điểm làm việc, hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Với công chức, một trong những nguyên tắc cơ bản là thực hiện kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với việc xác định vị trí việc làm và biên chế.

Nếu quá trình triển khai, các địa phương chưa xác định được vị trí việc làm, các danh mục vị trí việc làm cũng như cơ cấu đội ngũ công chức theo ngạch thì biên chế vẫn giữ nguyên.

Một số cơ quan có thành lập thêm tổ chức mới do yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước đương nhiên phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, đối tượng quản lý, đối tượng phục vụ để xác định các chức danh và các vị trí việc làm, trên cơ sở đó tạm thời giao biên chế cho các đơn vị đó.

Bộ Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là hai cơ quan đi tiên phong trong xác định vị trí việc làm để xác định xây dựng biên chế. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác định được 240 vị trí việc làm trong các cơ quan bảo hiểm từ trung ương đến cấp quận, huyện.

Bộ Nội vụ đã xác định được 172 vị trí việc làm trong tất cả các cơ quan thuộc và trực thuộc. Bộ đang hướng dẫn các địa phương, Bộ, ngành triển khai việc xác định vị trí việc làm bởi đây là cơ sở rất quan trọng để xác định biên chế công chức trong các cơ quan.../.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục