Năm 2024: Nam Bộ nắng nóng nhiều và gay gắt hơn, mùa mưa đến muộn

Khu vực Nam Bộ đang xảy ra nắng nóng kéo dài, gần như cả khu vực không có mưa trái mùa (hụt chuẩn từ 60-95%); xâm nhập mặn hiện đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023.

nang nong_an giang.jpeg
Lực lượng bảo vệ rừng dọn cỏ, lá cây làm giảm vật liệu cháy trên núi Phú Cường (thị xã Tịnh Biên) trong bối cảnh nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt ở tỉnh An Giang hồi tháng trước. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Năm 2024, dự báo nắng nóng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn, mùa mưa ở Nam Bộ đến muộn.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết tình hình khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định tình hình mưa, lũ năm 2024 và đánh giá thực thi pháp luật khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ.

Hội nghị do Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang tổ chức chiều 12/4 tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang).

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, dẫn đến nhiệt độ cao.

Nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước.

Riêng khu vực Nam Bộ, nắng nóng kéo dài, gần như cả khu vực không có mưa trái mùa (hụt chuẩn từ 60-95%). Ngày nắng kéo dài, xâm nhập mặn hiện đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023.

Các kênh, rạch ở một số tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang khô hạn, tình trạng sụt lún tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.

Nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là tại khu vực ven biển các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng...

Đáng lo ngại hơn, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt nên lưu lượng chảy về Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ ở mức thấp. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì và mức độ ngày càng gay gắt hơn.

“Khoảng nửa đầu tháng 5/2024 là thời kỳ chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, mưa lớn cục bộ, đặc biệt là hiện tượng sét.

Các địa phương cần trao đổi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn từ các đơn vị dự báo của Đài khu vực, Đài tỉnh để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai,” ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, trong ba tháng đầu mùa khô năm 2024, mực nước trung bình tại các trạm dọc Sông Mekong ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,05-3,3m.

Mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long xuống ở mức thấp, mực nước cao nhất trong ba tháng đầu năm tại trạm Tân Châu là 1,78m, tại Châu Đốc là 1,96m thấp dưới báo động 1 từ 1,04-1,72m và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 khoảng 0,29-0,36m.

Mực nước đỉnh triều cao nhất tại các trạm chính trên khu vực hạ lưu Sông Cửu Long đạt ở mức cao. Tại trạm Cần Thơ ở mức 1,89m (xấp xỉ báo động II), tại trạm Mỹ Thuận là 1,87m (trên báo động III là 0,07m).

Tại Hội nghị, các chuyên gia cho rằng năm nay, mùa mưa ở khu vực Nam Bộ khả năng sẽ đến muộn hơn trung bình nhiều năm, từ khoảng 10-20/5/2023.

Mực nước tại các trạm đầu nguồn Sông Cửu Long, Vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên sẽ xuống nhanh cho đến tháng Năm và ở mức thấp. Đến tháng Sáu, mực nước cao nhất tại các trạm bắt đầu tăng lên.

Tại trạm Tân Châu, mực nước cao nhất đến cuối tháng Bảy vẫn còn ở mức thấp và ở mức 1,9-2,1m. Đỉnh lũ cao nhất năm nay có khả năng xuất hiện vào tháng 10.

ben tre_han_man.jpg
Người dân ở Bến Tre nói riêng và Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều năm nay đã thích nghi, chủ động ứng phó, sống chung với hạn, mặn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đỉnh lũ tại trạm Tân Châu đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 1 và ở khoảng 3,2-3,5m, tại trạm Châu Đốc đạt mức xấp xỉ hoặc dưới báo động 1 0,1m ở khoảng 2,9-3m, xấp xỉ hoặc cao hơn năm 2023 từ 0,1-0,4m.

Do ảnh hưởng của thủy triều và lượng nước từ thượng nguồn về, các trạm trên dòng chính Sông Cửu Long sẽ ở mức cao.

Trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận mực nước cao nhất năm có thể xuất hiện vào cuối tháng 10 và những ngày đầu tháng 11 (vào kỳ triều cường đầu tháng 10 Âm lịch), dao động ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 từ 0,2- 0,35m (ở khoảng 2,15-2,2m), ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 0,05-0,15m.

Bên cạnh đó, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có xu hướng giảm, đến cuối tháng Sáu giảm hẳn, khả năng xuất hiện từ ba đợt, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ 8-13/4, từ 22-28/4 và từ 7-11/5.

Cụ thể chiều sâu xâm nhập mặn 4‰ trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70-95km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-62km; Sông Hàm Luông từ 60-68km; Sông Cổ Chiên từ 45-55km; Sông Hậu từ 40-55km; Sông Cái Lớn từ 45-50km.

Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường đề nghị các địa phương, phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, các đài khí tượng thủy văn tỉnh trong việc tiếp nhận, chuyển tải thông tin dự báo, cảnh báo đến cộng đồng xã hội.

Chủ động tham mưu cho lãnh đạo địa phương chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng ngừa từ sớm, từ xa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định đời sống, sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục