Chiều 10/8, tại sự kiện “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Vinexad tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần nắm bắt những yếu tố quyết định thành công, xu hướng phát triển và quy định pháp lý đối với hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động tận dụng cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới đến từ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI, chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích những FTA mà Việt Nam tham gia mang lại cơ hội ưu đãi thuế quan đa dạng lĩnh vực và mức độ khác nhau. Đồng thời, tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong các nước cùng là thành viên FTA... Tuy nhiên, những FTA này cũng đặt ra nhiều thách thức như quy tắc xuất xứ, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại và phát triển bền vững...
Trong đó, quy tắc xuất xứ có thể xem như là một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu đầy tiềm năng. Quy tắc xuất xứ cũng là một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp trong tận dụng ưu đãi từ FTA, nhất là những ngành hàng mà Việt Nam không có thế mạnh trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu như may mặc, thiết bị điện, xe đạp...
Còn ở thương mại quốc tế, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại thực chất là những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Hoặc thương mại quốc tế đòi hỏi quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.
Ghi nhận xu hướng phát triển thương mại điện tử thúc đẩy tiến đến thương mại số (dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới). Bên cạnh đó, phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử bền vững, xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến...
[Các FTA giúp hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu]
Hiện nay, người tiêu dùng toàn cầu đã và đang ưu tiên tiêu dùng bền vững dẫn đến người mua hàng hạn chế mặt hàng tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng. Điều này dẫn đến người mua hàng ngày càng chú ý đến giá trị thương hiệu, sản phẩm đạt mục tiêu kép "xanh và sạch" để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện tại và trong tương lai.
Theo tham luận của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với mức tăng trưởng cao; trở thành công cụ quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường lớn, tiết kiệm chi phí, tăng doanh số...
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hiệu quả hay tìm được định hướng phát triển bền vững vào quản trị, vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Để kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử, một số nhà xuất nhập khẩu hiến kế, cộng đồng đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa... cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như luôn đặt ra những yêu cầu cao hơn trong tìm kiếm trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng thay vì chỉ tập trung vào khuyến mãi.
Điển hình, người tiêu dùng toàn cầu có xu thế ưa chuộng trải nghiệm trí tuệ nhân tạo trong tính năng tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh; cá nhân hóa đề xuất mặt hàng dựa trên lịch sử hay ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR-trải nghiệm sản phẩm trực tuyến.
Hơn thế nữa, hướng đến kinh doanh có trách nghiệm trên thị trường thương mại điện tử, cộng đồng đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa... phải chủ động thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên các sàn, website, mạng xã hội... Ngoài ra, hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững là cùng đối tác kinh doanh và dịch vụ song hành phát triển./.