Mại dâm hoành hành công khai ở Cộng hòa Bắc​ Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ

Nạn mại dâm hoành hành công khai ở Cộng hòa Bắc​ Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ

Những cái tên như Sexy Lady, Harem hay Lipstick đã thể hiện rõ bản chất của khoảng 50 câu lạc bộ đang hoạt động tại Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC), nơi mại dâm bị coi là phi pháp.
Nạn mại dâm hoành hành công khai ở Cộng hòa Bắc​ Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Một quán rượu trá hình ở Nicosia, Bắc Syprus. (Nguồn: dailystar)

Một chiếc limousine màu trắng dừng bên ngoài một bệnh viện phía Bắc Nicosia đưa những cô gái làm việc tại các quán rượu tạp kỹ tới xét nghiệm HIV định kỳ hàng tháng - cảnh tượng này xảy ra một cách công khai tại nước cộng hòa độc lập Bắc Cyprus, nơi mại dâm được coi là một hoạt động phi pháp.

Những cái tên như Sexy Lady, Harem hay Lipstick đã thể hiện rõ bản chất của khoảng 50 câu lạc bộ đang hoạt động tại Cộng hòa Bắc​ Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC), nơi hàng chục nghìn binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng quân trong các trại lính.

Hàng trăm phụ nữ trẻ đến từ các nước khác đang làm việc và sinh sống ngay trong các câu lạc bộ này theo tiêu chuẩn visa konsomatris (có nghĩa là “nữ tiếp viên” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ).

Mặc dù đã có quy định yêu cầu những phụ nữ này phải xét nghiệm HIV hàng tháng, song các nhà chức trách Bắc ​Syprus vẫn không công nhận rằng họ là gái mại dâm hay những nạn nhân của nạn mại dâm trái phép.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy có 1.168 visa loại này được cấp từ tháng 4/2014 đến tháng 1/2015, một nửa cho những phụ nữ người Moldova, phần còn lại được cấp cho người Maroc, Ukraine và phụ nữ đến từ các nước Trung Á.

Trong thời gian những người phụ nữ chờ đợi kết quả thử máu, trong phòng đợi bệnh viện xôn xao những cuộc trò chuyện bằng tiếng Arab và Slav, mặc dù những người trông chừng luôn nhắc nhở họ không được nói chuyện với người ngoài.

Theo báo chí địa phương, vào tháng 6 vừa qua, một phụ nữ nước ngoài đã cố gắng trốn ra khỏi bệnh viện từ cửa sổ phòng ở tầng 4, khiến cô bị gãy chân.

Cô gái này được cho là đã tưởng rằng mình sẽ làm phục vụ bàn, sau đó hoảng hốt khi biết rằng công việc của cô thực ra là bán dâm.

“Tôi đã ở đây được một tháng,” một cô gái người Maroc trong lớp trang điểm đậm thì thầm khi đang đợi kiểm tra ở đồn cảnh sát sau khi từ bệnh viện ra.

“Cảnh sát giữ hộ chiếu của tôi,” cô nói thêm, trước khi một người đàn ông trung niên tóc đỏ, mặt rỗ nhắc cô im lặng.

Cảnh sát cho biết họ giữ hộ chiếu của các cô gái để “giữ an toàn” cho họ, nhưng ngành kinh doanh quán rượu tạp kỹ béo bở ở Bắc​ Syprus, vốn đang bị cấm sau cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, lại cho thấy điều ngược lại.

“Những hộp đêm này thực chất là những nhà chứa. Phụ nữ đang bị bóc lột với tư cách nô lệ tình dục. Tất cả đều biết rõ điều này, nhưng không ai có động thái gì hết,” Dogus Derya, một thành viên quốc hội TRNC cho biết.

“Các cô gái thường không được nhận lương. Họ nhận được một phần tiền kiếm được, nhưng đôi khi chỉ nhận được một nửa số tiền theo cam kết, để họ buộc phải tiếp tục làm việc,” bà Derya cho biết.

“Họ tự chi trả tiền quần áo, giày dép, thuốc men. Họ cũng phải nộp tới 150 USD một tuần để được ở tại hộp đêm,” bà nói thêm. “Ở đây, buôn người rất dễ.”

Dưới sức ép từ Tòa án Nhân quyền châu Âu, quốc hội Bắc S​yprus đã thông qua một loạt những điều luật nhằm bất hợp pháp hóa việc buôn bán tình dục vào tháng 1/2014. Tội danh này có thể bị phạt 7 năm tù giam.

Số điện thoại đường dây nóng 157 cũng đã đi vào hoạt động, song Mine Atli, một luật sư, thành viên của “Hội Phụ nữ Hỗ trợ Cuộc sống” cho biết nạn nhân thường “cảm thấy sợ không dám gọi điện, bởi đường dây nóng sẽ báo trực tiếp với các cơ quan chính quyền.”

Lý do cho sự nghi ngại này nằm ở những vụ việc từng xảy ra trước đây.

“Một số phụ nữ đã trốn thoát và tìm đến cảnh sát. Cảnh sát đã phạt cả nạn nhân (vì tội mại dâm) lẫn chủ chứa,” Atli cho biết.

Chị cũng cho biết những vụ việc như vậy thường “được thỏa thuận tại tòa: nạn nhân rút lại đơn khiếu nại để cơ quan công tố hủy bỏ hình phạt cho nạn nhân... Mọi chuyện vẫn như cũ.”

Chủ các quán rượu tạp kỹ có tiếng nói đáng kể tại Bắc S​yprus - một quốc gia độc lập đang phải dựa vào những nguồn thu nhập từ các hộp đêm và casino, điểm thu hút chính đối với khách du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các casino bị cấm hoạt động.

Bộ trưởng Nội vụ TRNC, ông Aziz Gurpinar cho biết các quán rượu này nộp cho nhà nước khoảng 7,5 triệu lira Thổ Nhĩ Kỳ tiền thuế hàng năm (2,5 triệu USD) và khẳng định rằng chính phủ đang thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế buôn bán và bóc lột phụ nữ.

“Một tài liệu hướng dẫn đã được chuẩn bị, trong đó có các thông tin về quyền hợp pháp của các nữ tiếp viên khi nhập cảnh và những số điện thoại khẩn cấp để họ có thể gọi đến khi cần,” ông cho biết.

“Nguy cơ bóc lột phụ nữ do hạn chế trong các quy định về nữ tiếp viên đã được ngăn chặn,” ông khẳng định với AFP.

Khu vực phía Nam đảo Síp, vốn là vùng lãnh thổ do Hy Lạp quản lý và là thành viên EU từ năm 2004, đã bãi bỏ loại visa “artistes” sau những cáo buộc của Mỹ và châu Âu về nạn buôn bán phụ nữ.

Cộng hòa S​yprus vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc rằng TRNC vẫn “tiếp tục không trừng phạt các hoạt động buôn người,” khi số phụ nữ bị ép buộc bán dâm vẫn ngày một tăng lên mà không hề có bất kỳ can thiệp nào từ chính quyền.

Mặt trái của việc TRNC không được quốc tế công nhận chính là việc quốc gia này không hề ký kết cũng như không phải tuân thủ bất kỳ một công ước quốc tế nào.

Síp đã bị chia tách từ năm 1974, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc nhằm phản ứng trước cuộc đảo chính được cho là do Athens khởi xướng với mục đích sáp nhập Síp vào Hy Lạp.

TRNC đã tuyên bố độc lập vào tháng 11/1983 và chỉ được duy nhất Ankara công nhận.

Emine Colak, ngoại trưởng của TRNC đã thẳng thắn trình bày trong một cuộc nói chuyện diễn ra ngay tại phòng làm việc của bà.

“Tình trạng này sẽ được cải thiện nếu có một biện pháp nào đó dựa trên các hiệp ước quốc tế như một đòn bẩy tác động lên chính quyền,” bà Colak chia sẻ với AFP.

“Sự công nhận quốc tế sẽ đi kèm với áp lực quốc tế,” bà nhận xét. Bà Colak hiện đang quản lý một tổ chức nhân quyền tại TRNC.

Sau nhiều thập kỷ đầy những sáng kiến quốc tế thất bại, một vòng đàm phán thống nhất mới do Liên hợp quốc khởi xướng giữa các lãnh đạo người Syprus gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã được khởi động vào tháng ​Năm vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục