Nâng cao chất lượng xuất bản-phát hành sách lý luận, chính trị

Ông Đinh Thế Huynh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản tập trung nâng cao chất lượng của sách lý luận, chính trị.
Nâng cao chất lượng xuất bản-phát hành sách lý luận, chính trị ảnh 1Ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 11/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị tập trung đánh giá thực trạng 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới; nêu bật những thành tựu, kết quả đạt được, làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Qua đó, hội nghị tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao toàn diện chất lượng công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị trong thời gian tới.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, với nhiều nỗ lực cố gắng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản, các cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các đơn vị xuất bản, phát hành, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã góp phần vào cung cấp thông tin tri thức, luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đóng góp có hiệu quả vào việc giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng trong xã hội, nâng cao trình độ lý luận và ý thức tự giác chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đặc biệt, nhiều đầu sách, bộ sách đã được xuất bản đáp ứng đồng thời tính định hướng, tính chiến đấu và sự hấp dẫn, có tác dụng lan tỏa trong đời sống xã hội, giải đáp nhiều vấn đề quan trọng về lý luận chính trị, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, về thành tựu và kinh nghiệm công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những thành tựu, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư còn bộc lộ những hạn chế như chất lượng nội dung sách chưa cao; tính chiến đấu, tính khoa học, tính thực tiễn, tính hấp dẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, số đầu sách có giá trị về lý luận, tổng kết thực tiễn chưa nhiều. Cơ cấu sách chưa hợp lý, vẫn thiếu những sách chuyên đề, sách hướng dẫn thực hành, sách tra cứu, sách lý luận, chính trị phổ thông, dễ hiểu, dễ nhớ phục vụ rộng rãi các tầng lớp nhân dân...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh sách lý luận, chính trị có vai trò quan trọng trong xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng, giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn quan tâm chỉ đạo công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; khẳng định đây là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Ghi nhận những kết quả quan trọng của ngành xuất bản đạt được trong 10 năm qua, chỉ rõ những hạn chế cần tập trung khắc phục, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh trong giai đoạn tới, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị phải thực sự là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các đơn vị xuất bản phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu trong Chỉ thị 20.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, về nguyên tắc thực hiện và những nhiệm vụ cơ bản đã được khẳng định trong Chỉ thị 20-CT/TW và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến công tác xuất bản.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản tập trung nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hẫp dẫn của sách lý luận, chính trị; phấn đấu bảo đảm đủ sách lý luận, chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng mảng sách chính trị phổ thông với cách viết sinh động, dễ hiểu, sách cho xã, phường, thị trấn, vùng dân tộc, miền núi, hải đảo; sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Ông Đinh Thế Huynh đề nghị khẩn trương xây dựng và triển khai quy hoạch, rà soát, sắp xếp hợp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận chính trị theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật, phát huy vai trò nòng cốt của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật.

Các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản, bảo đảm cho hoạt động xuất bản, nhất là xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao; khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động xuất bản.

Ông Đinh Thế Huynh lưu ý cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn cao, xây dựng hệ thống cộng tác viên và có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng; có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng nhu cầu phát triển mới; đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ biên tập, xuất bản.

Ông Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu dự hội nghị quán triệt thật đầy đủ, sâu sắc; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong phạm vi ngành mình, địa phương mình, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, góp phần tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt của công tác xuất bản sách trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục