Trong hai ngày 21-22/4, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 là người dân tộc thiểu số”.
Khai mạc hội nghị, ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đối với cả nước và của từng địa phương.
Cuộc bầu cử đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội khóa XIV và đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong đợt bầu cử này, có các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là người dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số phần lớn tham gia lần đầu, hoạt động kiêm nhiệm, điều kiện tiếp cận, thu thập, trao đổi thông tin và kỹ năng vận động tranh cử, nhất là việc xây dựng chương trình hành động, vận động, thuyết phục, lôi cuốn cử tri, thuyết trình trước công chúng... còn nhiều hạn chế. Để tạo điều kiện cho các ứng cử viên tiềm năng người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng Dân tộc tổ chức hội nghị này.
Đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã tổ chức hội nghị, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cho rằng đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp các ứng cử viên người dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, nhận thức về lý luận, thực tiễn và trách nhiệm là đại biểu của cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng lưu ý, để thực hiện tốt việc vận động tranh cử, các ứng cử viên cần nghiên cứu Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương và trách nhiệm của đại biểu, tiêu chuẩn đại biểu. Ngoài kiến thức cơ bản, các ứng cử viên phải có kỹ năng và bản lĩnh nhất định.
“Đây là những vấn đề rất lớn trong hoạt động đại biểu của nhân dân. Người đại biểu nhân dân chính là cầu nối giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ với cử tri và đón nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri phản ánh, thảo luận tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân,” bà Tòng Thị Phóng nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng cũng lưu ý, quá trình vận động tranh cử, các ứng cử viên cần lắng nghe và giải đáp những ý kiến của cử tri; có phong cách giản dị, thái độ khiêm nhường, tôn trọng cử tri.
Cùng với đó, các ứng cử viên cần quán triệt sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc, trong đó không chỉ việc đầu tư phát triển kinh tế mà luôn gắn phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội với con người; chăm lo sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí các đồng bào dân tộc; phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, các ứng cử viên cần phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình trong quá trình tranh cử; bản thân và gia đình luôn phải gương mẫu để làm gương trước đồng bào, cử tri.
Tại hội nghị, đại biểu nghe các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong các cơ quan dân cử truyền đạt những kỹ năng và kiến thức cơ bản về kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; kỹ năng vận động tranh cử, xây dựng hình ảnh, thuyết trình trước công chúng của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các ứng cử viên sẽ được giới thiệu về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; các chính sách, chương trình, dự án đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các ứng cử viên sẽ làm việc theo nhóm, thực hành về thuyết trình chương trình hành động trước cử tri, trả lời phỏng vấn báo chí trên truyền hình./.