Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc sở tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp."
Có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2010, Luật Lý lịch tư pháp là đạo luật quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Đặc biệt, Luật đã xác lập những nguyên tắc, nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân; phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia Đặng Thanh Sơn cho biết từ khi Luật có hiệu lực, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý lý lịch tư pháp trong đời sống xã hội của các cơ quan, tổ chức ngày càng được nâng lên.
Luật đã hình thành cơ chế cập nhật và xử lý thông tin về đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án. Tổ chức bộ máy, bố trí biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp đã từng bước được hình thành và kiện toàn.
Hiện nay, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và 5 Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở tư pháp 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập.
Tính đến ngày 1/7/2013, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận hơn 200.000 thông tin, trong đó có hơn 199.000 thông tin lý lịch tư pháp về án tích do Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Sở Tư pháp.
Trên cơ sở thông tin lý lịch tư pháp đã nhận được, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã thực hiện lập hơn 77 nghìn bản lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý hơn 65 nghìn thông tin chấp hành xong hình phạt tù, đặc xá.
Tuy nhiên, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm so với yêu cầu. Một số quy định của luật bắt đầu bộc lộ bất cập, hạn chế nhất là vấn đề cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo yêu cầu của cá nhân.
Hiện 43/63 sở tư pháp vẫn chưa có đủ số lượng biên chế làm công tác này. Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gắn với việc triển khai có hiệu quả những quy định của Luật Lý lịch tư pháp vào cuộc sống bằng việc kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức và biên chế các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp từ Trung ương đến địa phương theo hướng chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.
Trước mắt, thể chế về lý lịch tư pháp cần tiếp tục được hoàn thiện; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến lý lịch tư pháp; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật; kiện toàn tổ chức các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Về lâu dài, Luật cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về các nội dung như mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tổ chức cơ quan quản lý lý lịch tư pháp; cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân; xây dựng và thực hiện thường xuyên cơ chế thông tin, phối hợp giữa các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan, giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ở Trung ương và địa phương…/.