Nét độc đáo của cây Nêu trong đời sống văn hóa đồng bào dân tộc

Ở mỗi dân tộc và vùng miền, cây nêu đều tượng trưng những điều tốt đẹp, thể hiện khát vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa hợp giữa hiện đại và truyền thống.

Sáng ngày 23/11, trong khuôn khổ Ngày hội trình diễn cây Nêu đã diễn ra buổi khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm phát triển truyền thống đại đoàn kết các dân tộc và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Trong hoạt động Trình diễn cây Nêu, đồng bào thuộc 6 tỉnh thành đã tham gia trình diễn những nghi thức truyền thống gắn liền với cây nêu của dân tộc mình.

Tỉnh Đắk Lắk trình diễn cây Nêu gắn với nghi lễ về sức khỏe của đồng bào Ê Đê. Trong tiếng Ê Đê, cây Nêu gọi là Gơng đrai như sợi dây kết nối với thần linh để cầu xin phù hộ cho mọi người có nhiều sức khỏe.

Tỉnh Sơn La có cây Nêu gắn với dân tộc Thái trắng, dựng lên trong Lễ Hết Chá, thể hiện tính nhân văn, tôn vinh thầy thuốc với những nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ người đã chữa khỏi bệnh cho người dân.

Thành phố Đà Nẵng có cây Nêu gắn với đồng bào Cơ Tu, cây Nêu như một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Hình thức sử dụng cây Nêu của người Cơ tu rất đa dạng: cây Nêu trong bản làng, cây Nêu trong gia đình, cây Nêu lễ hội, cây Nêu trong tang ma.

Cây Nêu của dân tộc Thái đen tỉnh Lai Châu liên quan đến nghi lễ hội Kin pang Then (tiếng Thái, có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây Nêu). Then ở đây là thầy mo, được coi như người của trời cử xuống nhân gian, để cứu giúp loài người trong cuộc sống và có khả năng giao tiếp với thần linh.

Tỉnh Thanh Hóa có cây Nêu gắn với dân tộc Mường. Hàng năm người Mường lại làm lễ lên Nêu để ghi nhớ công ơn của vua, với ý nghĩa xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới đến.

Tỉnh Quảng Nam có cây Nêu của đồng bào Ca Dong. Người Ca Dong quan niệm, cây nêu là nơi mà các vị thần linh và ông bà sẽ về ở và dự lễ hội.

Ngày hội sẽ diễn ra trong ba ngày từ 23/11 đến 25/11 với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao giữa các vùng, miền, địa phương nhằm giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống ở các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.

(Vietnam+)