Các ngân hàng trung ương lớn có thể sẽ phải nhanh chóng hành động phòng thủ nếu cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
Dưới sức ép từ các thị trường tài chính cũng như nhận thấy những dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, Fed trước đó trong năm nay đã ngừng tăng lãi suất và tại cuộc họp mới đây trong tháng này còn cho biết có thể sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Dù các quan chức của Fed mới đây đã bác bỏ những đồn đoán của thị trường về một đợt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới, ngân hàng trung ương của Mỹ vẫn được dự đoán sẽ tiến hành một hoặc hai đợt hạ lãi suất trước cuối năm nay.
Sự chuyển dịch này có thể khiến G20 phải thảo luận cách thức chống lại một cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo, trước khi châu Âu và Nhật Bản chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng vốn được đưa ra để chống chọi với cuộc suy thoái trước đó.
Tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của Fed có thể được nhận thấy trên toàn thế giới thông qua sự giảm giá của đồng USD, điều có thể buộc châu Âu và Nhật Bản phải “nối gót” để giữ khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu. Đây là những điều đã từng tạo nên sự căng thẳng trong vấn đề tiền tệ trong các cuộc họp trước đây của G20.
[Thị trường tiền tệ trở thành đấu trường mới của Tổng thống Trump?]
Các nhà hoạch định chính sách của châu Âu và Nhật Bản cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận của G20, theo đó không phá giá tiền tệ để cạnh tranh và chỉ sử dụng các công cụ tiền tệ cho mục đích trong nước.
Tuy nhiên, khi trong tay chỉ còn rất ít “vũ khí,” cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đều có lý do chính đáng để ngăn không cho sự tăng giá của đồng tiền gây áp lực lên xuất khẩu và lạm phát vốn đã không mấy khả quan của mình.
Tại cuộc họp chính sách hồi tháng Sáu, nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB đã bày tỏ quan ngại rằng bất cứ động thái nới lỏng nào từ Fed cũng có thể khiến đồng euro tăng giá, từ đó buộc ECB đẩy mạnh các biện pháp kích thích để chống lại các tác động từ việc này.
Tương tự, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda hồi tuần trước cũng phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng gia tăng các biện pháp kích thích nếu tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, cũng có những đồn đoán ngày càng gia tăng trên thị trường rằng BoJ sẽ nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp về lãi suất sẽ diễn ra vào hai ngày 29-30/7 tới, phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của Fed./.