Nêu rõ vai trò chủ thể là nhân dân trong Hiến pháp

Thường trực HĐND phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 4/3, Thường trực Hội đồng Nhân dân phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của các lãnh đạo thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố và đại diện một số Sở, ngành, quận, huyện, các nhà khoa học.

Cần làm rõ hơn một số điều trong Dự thảo

Các ý kiến đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn một số điều trong Dự thảo sửa đổi.

Đồng chí Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp 1992, thể chế cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và chủ trương của Đảng trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên vẫn còn một số điều cần được xem xét làm rõ hơn.

Cụ thể, tại Điều 2, Dự thảo viết: Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Việc xác định nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là phù hợp với đường lối chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, được ghi vào Hiến pháp là cần thiết. Điều cần cân nhắc ở đây là thể hiện trong Hiến pháp đường lối cơ bản của toàn dân để thể hiện quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nêu rõ vai trò chủ thể là nhân dân. Do đó, đề nghị cân nhắc, có thể viết: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Tại Điều 8, Dự thảo ghi: Nền hành chính Quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện... Để nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức phục vụ nhân dân, đề nghị sửa đổi: Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, trí công, vô tư, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền... tổ chức và hoàn thiện nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ để phục vụ nhân dân. Như vậy mới làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhà nước.

Tại Điều 101, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Dự thảo ghi: Phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đề nghị bổ sung: Phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam , các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo điều kiện cần thiết để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

Giáo sư, tiến sĩ Vũ Hoan, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kết cấu chưa phù hợp, cần sửa đổi một số từ ngữ và văn phong. Lời nói đầu cũng chưa chặt chẽ, chưa cô đọng, cần ghi rõ ngắn gọn và cô đọng hơn.

Cần đưa quyền, nghĩa vụ của thanh niên vào Hiến pháp sửa đổi

Cùng ngày, tại hội nghị lấy ý kiến của thường trực Thành đoàn các thời kỳ và các đại biểu cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào một số vấn đề: Vai trò của đoàn thanh niên trong động viên đoàn viên thanh niên thực hiện quyền làm chủ của mình; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên thanh niên; các vấn đề về trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ, vai trò lãnh đạo của Đảng; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường và chủ quyền quốc gia, biển đảo, bảo vệ Tổ quốc.

Đóng góp ý kiến về vai trò, vị trí của đoàn thanh niên, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Hữu Loan cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bỏ đi điều 66 của Hiến pháp 1992 là không hợp lý. Dự thảo cần quy định một điều riêng về thanh niên, trong đó nhấn mạnh vào việc thanh niên sau khi thực hiện nghĩa vụ học tập xong phải có việc làm, xã hội cần tạo điều kiện chăm lo việc làm của thanh niên để thực thi nghĩa vụ học tập và chuyên môn bản thân mà họ đã có.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều đại biểu cho rằng cần đưa quyền, nghĩa vụ của thanh niên vào Hiến pháp sửa đổi. Trong lịch sử của tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam, thế hệ trẻ luôn là những người kế tục truyền thống của dân tộc, là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Tuy vậy, trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi không có quy định nào nói đến quyền và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam (ngoại trừ có một ý nói về trẻ em ở mục 2, điều 62 nói về việc chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em).

Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 có dành riêng Điều 66, chương V quy định rõ: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.” Bởi vậy, theo các đại biểu, cần dành cho tuổi trẻ một quy định riêng trong Hiến pháp sửa đổi, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có một hành lang pháp lý để học tập, cống hiến và phát triển năng lực của mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục