Ngân hàng mùa đại hội: Nơi mạnh tay chia cổ tức, nơi lỗi hẹn với cổ đông

Câu chuyện chia cổ tức luôn là vấn đề "nóng" được quan tâm mỗi mùa đại hội đồng cổ đông. Hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố phương án chia cổ tức ở mức khá cao.

Nhiều ngân hàng mạnh tay chi đậm chia cổ tức. (Ảnh: Vietnam+)
Nhiều ngân hàng mạnh tay chi đậm chia cổ tức. (Ảnh: Vietnam+)

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng đang diễn ra và sẽ được tập trung cao điểm từ giữa tháng Tư. Nếu như các năm trước, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì năm nay nhiều ngân hàng kết hợp cả chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng nào mạnh tay chia cổ tức đậm?

Techcombank hiện đang dẫn đầu về mức chi trả với tổng tỷ lệ là 115%. Theo đó, ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án dành hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3/2024.

Đây là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau hơn 1 thập niên giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh. Theo lãnh đạo Techcombank, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để chi thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 100%.

Tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, cổ đông VIB đã đồng thuận với kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 29,5%, với tỷ lệ 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng.

Như vậy, đây là năm thứ 2 VIB chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông sau nhiều năm chỉ chia cổ phiếu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm ngoái, cổ đông cũng đã được hưởng cổ tức tỷ lệ lên tới 35%, trong đó tiền mặt là 15% và cổ phiếu là 20%.

Tương tự, các cổ đông của ACB cũng đồng thuận chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024.

Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý 3/2024.

Mặc dù không chia cổ tức bằng tiền mặt nhưng Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán và sau khi trích các quỹ theo luật định. Việc chia cổ tức này sẽ được thực hiện trong năm 2024.

Theo dự thảo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 của VietinBank sẽ trình đại hội cổ đông năm 2024, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi gần 14.000 tỷ đồng sẽ được đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu. Kế hoạch này sẽ được triển khai sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, VietinBank là NH tiếp theo thông báo "nhập cuộc" làn sóng chia cổ tức trong năm nay.

vnp_viettin bank-8.jpg
VietinBank dự kiến dành 14.000 tỷ đồng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, Nam Á Bank dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 25%; MB dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% trong năm 2024, MB cũng đưa ra mục tiêu lợi nhuận tương đối khiêm tốn, chỉ tăng trưởng 6%-8% so với năm 2023; VPBank dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông với tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng; HDBank cũng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, trong đó gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. HDBank là ngân hàng có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm và chính sách này đã kéo dài suốt một thập kỷ vừa qua.

Vẫn có ngân hàng lỗi hẹn với cổ đông

Trong mùa Đại hội cổ đông lần này, tại nhiều ngân hàng cổ đông nhỏ lẻ đã có nhiều cảm xúc khác nhau khi nhận cổ tức, có người vui mừng nhưng cũng có những cổ đông đã phải âm thầm chịu đựng khi mấy năm liền chưa được nhận cổ tức.

Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra tuần trước, cổ đông ABBank lại tiếp tục chất vấn lãnh đạo ngân hàng vì sao ngân hàng không bỏ 1.800 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để chia thưởng cho cổ đông.

Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank giải thích Ngân hàng cần bỏ tiền để đầu tư, xây dựng nền tảng. “Mong cổ đông kiên nhẫn để chúng ta hái quả ngọt hơn vì chiến lược thì không thể nhanh được, cần thời gian kiên trì,” lãnh đạo ABBank nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị thừa nhận thêm, năm 2023 vừa qua là năm trũng trong hoạt động của ABBank, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh. Qua việc mời McKinsey, ABBank nhìn nhận thẳng là sự cạnh tranh của ngân hàng rất thấp. Lãnh đạo ngân hàng cũng khẳng định phải thay đổi toàn diện.

Tương tự, năm 2024, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023. Theo phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, sau khi trừ đi thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm ngoái của Sacombank là 5.717 tỷ đồng. Lợi nhuận giữ lại các năm trước là 12.671 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lợi nhuận giữ lại lũy kế của ngân hàng đang ở mức 18.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, tương tự như những năm trước, Sacombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức.

hinh_3_khach_hang_giao_dich_tai_cn_ninh_binh.jpg
Vẫn có ngân hàng lỗi hẹn với cổ đông. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi đó việc không chia cổ tức là "tâm tư" của nhiều cổ đông Sacombank. Tại biên bản họp đại hội cổ đông năm 2023, cổ đông từng chất vấn lãnh đạo Sacombank vì sao trích quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trong khi không chia cổ tức.

Lãnh đạo Sacombank cho biết giá trị cổ phiếu của ngân hàng tăng đáng kể trong thời gian qua thể hiện kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên do Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, nên chưa đáp ứng được các điều kiện để chia cổ tức.

Cụ thể ở đây là việc xử lý cổ phiếu STB thuộc sở hữu ông Trầm Bê và người có liên quan để thu hồi nợ chưa thực hiện được. Ngân hàng này còn khẳng định sau khi hoàn tất việc xử lý cổ phiếu và được Ngân hàng Nhà nước cho phép sẽ triển khai chia cổ tức cho cổ đông.

Như vậy nếu tại đại hội lần này, các phương án đưa ra được thông qua, tức là Sacombank sẽ có năm thứ 9 liên tiếp không chia cổ tức, kể từ năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Một cổ đông đang nắm giữ tới 3 cổ phiếu ngân hàng chia sẻ: “Tôi mua cổ phiếu dài hạn chứ không phải lướt sóng nên rất quan tâm đến cổ tức, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt. Nếu như vài năm liên tiếp không được nhận cổ tức, tôi sẽ tính toán lại.”

Chia sẻ về việc một số ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực lại cho rằng chưa chắc những ngân hàng không chia cổ tức đều là những ngân hàng yếu kém, ngược lại những ngân hàng có đến đâu chia hết đến đó chưa chắc đã phải là ngân hàng phát triển tốt.

“Ở đây, nhà đầu tư cần phải nhìn vào sự phát triển dài hạn của ngân hàng đó, ngân hàng giữ lại lợi nhuận cũng là việc nên làm trong thời điểm hiện nay, chỉ có như vậy thì ngân hàng mới thực sự phát triển bền vững và hội nhập với thế giới,” ông Lực nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục