Theo kịch bản cập nhật tăng trưởng kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, để cả năm 2024 có thể đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7,0% thì quý 3 sẽ cần tăng từ 6,5%-7,4% và quý 4 tăng từ 6,6%-7,6%.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết mục tiêu này là một thách thức, do bối cảnh kinh tế còn khó khăn phía trước, tuy nhiên vẫn có những cơ hội và thuận lợi đan xen.
Thị trường có dấu hiệu “ấm lên”
- Xin ông cho biết căn cứ vào những động lực nào để Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế tích cực trong các quý tiếp theo?
Ông Lê Trung Hiếu: Sự hồi phục của ngành công nghiệp trong bảy tháng của năm là nhân tố quan trọng, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng mà còn thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Những nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp và sự "ấm dần" của thị trường quốc tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng trong ngành. Điều này trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Triển vọng tích cực với khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Các chuyên gia nhận định kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân dần củng cố là động lực tích cực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng dự báo sẽ tiếp tục kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trong tháng Bảy, chính sách tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động được áp dụng (từ ngày 1/7) sẽ kích thích tăng các khoản chi tiêu, tạo nên dư địa tăng tổng cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, việc ba luật liên quan đến thị trường bất động sản (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 là tín hiệu tích cực, tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của ngành này và các ngành có liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng...
Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giúp giải phóng nguồn lực, tác động lan tỏa đến các ngành xây dựng, giao thông vận tải… Điều này sẽ góp phần từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
- Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, theo ông cho đâu là những thách thức trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu đề ra?
Ông Lê Trung Hiếu: Bối cảnh kinh tế thế giới dần phục hồi nhưng còn bấp bênh và đối mặt với nhiều rủi ro, khi mà hoạt động thương mại quốc tế và tổng cầu thế giới còn yếu cộng thêm lạm phát còn ở mức cao. Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài và dai dẳng với dấu hiệu trầm trọng, khó đoán định... Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với những khó khăn thách thức, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế.
Trên thị trường quốc tế, hoạt động xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt, do các quốc gia đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, cạnh tranh lấy lại thị phần.
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong khi chi phí sản xuất ở mức cao. Trên thực tế, khả năng tài chính tại phần lớn doanh nghiệp còn hạn hẹp, trong khi khả năng tiếp cận vốn vay và đáp ứng điều kiện vay của doanh nghiệp còn ở mức thấp.
Hơn nữa, môi trường kinh doanh còn một số hạn chế chưa được khắc phục. Ngoài ra, vấn đề thể chế, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu sử dụng cho xây dựng hạ tầng giao thông, cũng là bài toán nan giải đối với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả
- Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra, Tổng cục Thống kê đã có kiến nghị những giải pháp thực hiện cụ thể gì, thưa ông?
Ông Lê Trung Hiếu: Để thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những tháng cuối năm đạt được mục tiêu đề ra. Các cấp quản lý cần tiếp tục rà soát, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử… và các ngành dịch vụ thị trường.
Về thị trường, các cấp chú trọng đối với hoạt động kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sức mua trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Trong đó, cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp qua giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Trong sản xuất, các ngành có kế hoạch đảm bảo nguồn cung trong nước, ổn định hàng xuất khẩu, trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường để xác định nhu cầu hàng hóa thế giới, nhằm giảm thiểu hàng tồn kho của doanh nghiệp, tránh bị động khi chính sách lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thay đổi.
Đối với hoạt động xuất khẩu, các cơ quan chức năng cần tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, để phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu và thị trường nhập khẩu…
Về đầu tư công, các cấp quản lý và địa phương tiếp tục tháo gỡ các nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn hiệu quả với mục tiêu lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư./.