Ngày lễ Tình nhân ảm đạm với người trồng hoa hồng xuất khẩu tại Kenya

Xung đột Nga-Ukraine cùng với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục tại các nước châu Âu, buộc các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, đã khiến doanh số bán hàng của người trồng hoa tại Kenya giảm đáng kể.
Ngày lễ Tình nhân ảm đạm với người trồng hoa hồng xuất khẩu tại Kenya ảnh 1Người trồng hoa xuất khẩu tại Kenya. (Nguồn: BBC)

Đối với các trang trại Isinya Roses and Porini Flowers ở thủ đô Nairobi của Kenya, nơi trồng những hoa hồng tiêu chuẩn và hoa hồng đỏ cho xuất khẩu, ngày Lễ Tình nhân (14/2) luôn là một sự kiện lớn trong năm.

Tuy nhiên, năm nay, các trang trại hoa hồng này đang cảm nhận rõ rệt tác động của cuộc xung đột tại Ukraine cũng như ảnh hưởng của lạm phát cao.

Theo anh Ananth Kumar - Giám đốc tiếp thị của tập đoàn Isinya, quản lý cả Isinya Roses và Porini Flowers, tất cả hàng xuất khẩu của hai trang trại sang Nga đều đi qua Hà Lan và hiện tại do có lệnh hạn chế từ Hà Lan nên công ty không có hàng xuất khẩu sang Nga.

Anh Kumar cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một vấn đề lớn, những thách thức lớn hơn và ngay cả ở Ukraine, chúng tôi có 5% lượng hàng hóa của mình được vận chuyển vào Ukraine cũng đã phải dừng hoàn toàn.”

Với việc Hà Lan hạn chế vận chuyển sang Nga, ngay cả các đơn đặt hàng của Nga cũng giảm mạnh. Theo anh Kumar, tập đoàn Isinya đang nỗ lực tìm một thị trường mới cho số hoa hồng xuất khẩu của mình.

Khoảng 60% sản lượng hoa thu hoạch của tập đoàn Isinya được xuất sang thị trường châu Âu. Phần còn lại được xuất sang Australia, Trung Đông, Anh, Nga và châu Á.

Tuy nhiên, với sự suy yếu của đồng euro, công ty đang cảm nhận được tác động của suy thoái kinh tế.

Theo anh Kumar, cùng với sự gia tăng chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới, các hộ gia đình đang cắt giảm chi tiêu của họ, dẫn đến doanh số bán hàng của công ty đã giảm đáng kể.

Anh cho biết: "Tỷ giá hối đoái của đồng euro với đồng USD cũng ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi. Có thời điểm tất cả doanh số bán hàng của chúng tôi đã giảm xuống tới 30% do suy thoái kinh tế ở các nước châu Âu. Đồng thời, chi phí phân bón tăng gấp đôi, chi phí đóng gói tăng, giá cước vận chuyển tăng. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn để chúng tôi tồn tại."

[Mùa lễ Tình nhân năm 2023 thay đổi ra sao sau một năm lạm phát kỷ lục?]

Xuất khẩu hoa mang lại nguồn thu lớn cho Kenya và nước này cũng là nhà cung cấp lớn của Liên minh châu Âu (EU). Thông thường, giai đoạn từ tháng 9 tới tháng 5 hằng năm là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm đối với người trồng hoa của Kenya.

Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu tăng trưởng tích cực về doanh số bán hàng vào năm 2021 sau đại dịch COVID-19, hy vọng về sự tăng trưởng liên tục của người trồng trọt đã bị tiêu tan sau khi lạm phát đạt kỷ lục mới vào năm 2022 ở châu Âu.

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp châu Âu đã phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao.

Cuộc xung đột đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường dầu mỏ và khí đốt tự nhiên và là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.

Lạm phát cũng trở nên tồi tệ hơn do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu phục hồi sau khi các hạn chế về đại dịch COVID-19 kết thúc.

Giám đốc điều hành của Hội đồng hoa Kenya - ông Clement Tulezi - giải thích tình hình kinh tế thế giới như vậy cũng có nghĩa là việc trồng hoa không còn là thảm hoa hồng tươi đẹp nữa.

Ông nêu rõ: "Trong 12 tháng qua, đồng euro đã mất giá trị so với đồng USD khoảng 12-15% và đó là một con số rất lớn. Điều đó liên quan đến tất cả các chi phí mà chúng tôi phải gánh chịu, liên quan đến việc nhập khẩu nguyên liệu mà chúng tôi sử dụng tại các trang trại.”

Theo ông Tulezi, thị trường tiếp tục thu hẹp và điều này thực sự ảnh hưởng tới lợi nhuận của những người trồng hoa hồng xuất khẩu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục