Cái nắng giữa hạ gay gắt, rát bỏng của miền Trung chợt dịu hẳn trên con đường vừa xuống khỏi dốc đê có hàng tre ken dày, xanh mát, chạy dài ôm trọn những mái nhà nằm sát bên bờ sông Lam.
Con sông đương mùa hiền lành. Những ngôi nhà của người dân Xóm 1 (thôn), xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) thuộc vùng lũ ngoài đê sông Lam, đã khang trang hơn so với nhiều năm trước.
Gia đình ông Trần Đình Tính 67 tuổi đã gắn bó với mảnh đất ngoài đê bao đời nay, chứng kiến bao lần nước dâng, nước rút. Đời ông đã 3 lần phải dựng lại ngôi nhà vì lũ, nhưng ông “tự hào” là vẫn giữ được 4 cái cột gỗ lim mà vợ chồng ông tích cóp bao lâu mới sắm được.
Quanh ấm trà xanh, ký ức những mùa lũ lớn vẫn còn in đậm. Ông Tính nhớ lại năm 1989, ước lũ dâng quá nhanh, quá lớn, cả nhà ông phải leo lên kèo nhà, ôm chặt nhau cầu mong nước đừng dâng lên tiếp.
Rặng tre bao bọc cả xóm, dày, đặc, chắc là vậy mà đổ rạp vào tận sân. Xóm có hơn 120 gia đình thì mấy chục hộ bị trôi trắng cả nhà cửa, đồ đạc.
Sau trận lũ đó, nhiều người cũng muốn chuyển vào ở trong đê, nhưng nhiều ràng buộc đã khiến họ vẫn gắn với mảnh đất mỗi năm nước dâng lại “làm khó” cho cuộc sống vốn đã nhiều lo toan này.
[Quảng Bình: Người dân an tâm trong những ngôi nhà tránh lũ]
Có lẽ cũng bởi vùng đất triền sông màu mỡ sau mỗi mùa lũ dâng cùng những ruộng vườn đã gắn bó bao đời và nuôi lớn bao thế hệ. Lâu dần thành quen, thành tập quán. Những chòi tránh lũ cùng những hũ nhút mít, cà muối, những chum gạo dự trữ, mỳ tôm… và cả sự hỗ trợ của Nhà nước, sự sẻ chia của đồng bào… đã cùng họ vượt qua bao mùa lũ.
Bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi) xởi lởi: “Mấy năm nay không có lũ lớn, nhưng giờ có lũ chúng tôi cũng không sợ, điều kiện bây giờ tốt hơn ngày trước nhiều, nước dâng thì rút lên kèo, lên chạn (gác xép). Nhà cửa cũng có chỗ trú trên cao, có bếp ga và đồ ăn dự trữ… Làm ruộng như chúng tôi vài năm không có lũ về lại nhớ (cười), chỉ mong lũ đừng quá lớn mà chỉ đủ mang về cá tôm và phù sa màu mỡ cho ruộng vườn.”
Ông Trần Văn Hưng, Bí thư kiêm Xóm trưởng Xóm 2, xã Hưng Lợi, cho biết đây là vùng không có chủ trương di dời, tái định cư nên người dân xác định sống chung, sống lâu dài với lũ. Bà con cũng đã quen với việc lũ lên hàng năm và đúc rút được kinh nghiệm cứ khoảng 10 năm lại có một lần lũ lớn, để chủ động đối phó.
Mong muốn của người dân ở đây là Nhà nước tiếp tục hỗ trợ những hộ khó khăn gia cố nhà cửa và những con đường giao thông chung trong vùng được kiên cố, thuận lợi hơn nữa, bà con sẵn sàng đóng góp ngày công hay một phần vật liệu. Người dân cũng đã chủ động xây cất những ngôi nhà kiên cố hơn để có nơi tránh trú khi lũ về.
Vũng lũ chồng chất khó khăn, nhưng năm 2017, xã Hưng Lợi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Là xã vùng trũng, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai lũ lụt, nhưng người dân Hưng Lợi vẫn xác định, không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Để xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã đóng góp được gần 50 tỷ đồng và hàng vạn ngày công đào đắp, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đồng ruộng, vệ sinh môi trường và xây dựng cơ sở vật chất...
Cũng nằm ngoài đê sông Lam, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên giờ đây là một vùng trù phú. Địa bàn xã Châu Nhân hiện nay vốn là hai xã Hưng Châu và Hưng Nhân thuộc huyện Hưng Nguyên vừa được sáp nhập cuối năm 2019.
Châu Nhân hiện có diện tích 11,1 km2 và dân số 7.700 người, trong đó địa bàn xã Hưng Nhân (cũ) nằm hoàn toàn ngoài đê và là “rốn lũ” của huyện.
Dọc con đường khang trang dẫn vào sâu trong các xóm, trạm xá, trường học … đều được xây dựng kiên cố, có nền cao so với mặt đường. Trong vườn của nhiều gia đình, những chiếc thuyền mùa này thảnh thơi nằm úp ngược phơi nắng, nhưng khi nước dâng là sẵn sàng trở thành phương tiện giao thông của người dân, ngược xuôi trong dòng lũ.
Sinh sống lâu năm ở vùng lũ, đúc rút được nhiều kinh nghiệm và đầy sáng tạo, mỗi gia đình ở đây đều xây dựng và gia cố nhà cửa theo cách rất độc đáo, vừa thuận tiện cho sinh hoạt lúc bình thường, vừa tạo được chỗ tránh trú khi lũ về.
Ở vùng nằm trọn ngoài đê tả sông Lam này (xã Hưng Nhân cũ), hầu như gia đình nào cũng tôn nền nhà cao tới hơn 1m so với mặt đường, những chiếc “lưng nhà” được trổ vài lỗ vuông để khi lũ rút, nước có đường thoát nhanh và dễ làm vệ sinh nhà cửa…
Những người đến Châu Nhân lần đầu cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên vì những bể nước hình trụ cao tới 4-5m. Nước được dẫn bằng các ống nhựa từ mái nhà, đặc biệt hữu ích khi lũ về. Mặc bốn bề là nước lũ đục ngầu, người dân vẫn có nước sạch để dùng khi rút lên các chòi nhà, gác chạn, cách nền nhà 2,5-3 mét.
Đó là những “tổ ấm mùa lũ,” nơi có đầy đủ lương thực, thực phẩm dự trữ, chỗ nấu ăn và cả chỗ ngủ. Trâu bò cũng có thức ăn và chỗ trú ngay cạnh chủ nhờ những chòi cao được xây cặp theo nhà.
Từ sự đóng góp của những người con đã trưởng thành đi làm ăn xa, nhiều gia đình trong xã Châu Nhân đã xây được nhà kiên cố thay cho những nếp nhà đơn sơ ngày trước, dễ bị lũ làm hư hại hoặc cuốn trôi.
Ông Nguyễn Văn Hoạt và bà Cao Thị Dũng có 4 người con đều thành đạt, đã xây dựng gia đình riêng và sinh sống ở những thành phố lớn. Các con đã giúp ông bà xây được ngôi nhà 2 tầng kiên cố và một bể nước cao 5m.
Bà Dũng cho biết, từ khi có nhà mới, ông bà không còn lo lắng mỗi mùa lũ tới. Mùa vụ trồng trọt hay việc chăn nuôi gia cầm cũng được sắp xếp hợp lý để không bị ảnh hưởng nếu nước lũ dâng cao.
Theo ông Hoạt, nhà nào trong xã cũng cố gắng tự xây dựng, cải tạo nhà cửa để sống chung với lũ. Hàng chục gia đình nghèo cũng đã được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà chòi tránh lũ nên người dân trong xã không còn nỗi ám ảnh, lo sợ của những mùa lũ xưa.
Ngoài ra, xã Châu Nhân còn có nhà cộng đồng tránh lũ được xây dựng ngay trong khuôn viên trụ sở xã với đầy đủ hệ thống nước, nhà bếp ... để sẵn sàng ứng phó, sơ tán người dân trong các trường hợp cần thiết.
Người dân vùng lũ sông Lam giờ đây không còn sợ lũ, tuyến đê tả Lam đã được tôn cao, nâng cấp trở thành tuyến đường du lịch ôm lấy những xóm làng, ruộng vườn xanh mướt mắt.
Không chỉ riêng Hưng Lợi, Châu Nhân, các xã dọc Sông Lam nằm trong và ngoài cơ đê 42 từ Hưng Lĩnh xuống Hưng Lợi là vùng hay bị ngập úng, lũ lụt, nhưng hàng năm cũng được thiên nhiên bù đắp phù sa để đất đai thêm màu mỡ, ruộng vườn thêm nguồn thu. Người dân cũng dần hòa hợp với thiên nhiên, cuộc sống cứ “lựa mưa lựa lũ” mà ổn định hơn.
Một mùa mưa lũ lại đang về, trong mỗi ngôi nhà đặc trưng của người dân vùng lũ sông Lam đã thóc đầy bồ, rơm đầy chuồng... sự chuẩn bị đủ đầy sẽ làm vơi đi những nỗi lo mùa nước lũ./.