Nghị định mới của Chính phủ sẽ bịt lỗ hổng tại các dự án BT ra sao?

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải theo hình thức đấu thầu. Ngoài ra, việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư phải sau khi dự án hoàn thành hoặc theo tiến độ.
Nghị định mới của Chính phủ sẽ bịt lỗ hổng tại các dự án BT ra sao? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ 1/10, việc giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (xây dựng-chuyển giao) được thực hiện sau khi dự án hoàn thành.

Đây là một trong những điểm mới tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP vừa được ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết trong buổi họp báo chiều 16/8.

[Kiểm toán 15 dự án BT và BOT, kiến nghị tài chính hàng nghìn tỷ đồng]

Thời điểm thanh toán khác theo ông là thực hiện đồng thời tương ứng với khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Trước đó, không ít chuyên gia đã chỉ ra lỗ hổng, việc thanh toán đất cho nhà đầu tư được thực hiện trước khi công trình hoàn thành, thậm chí còn trước khi dự án được bắt đầu. Giá đất tại thời điểm đó thường rất thấp, phần lớn còn là đất nông nghiệp. Sau khi có công trình, đất quanh khu vực này bỗng từ đất nông nghiệp thành đất đô thị với giá trị tăng cả chục, cả trăm lần. Bởi thế, nhà đầu tư thậm chí chỉ cần bán đất nền thì đã ẵm chênh lệch lớn.

Nói thêm về những điểm đáng chú ý trong Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, ông Thịnh cho hay, các tài sản công được sử dụng để thanh toán bao gồm đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân,..

Ngoài ra, tài sản công còn là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và một số loại tài sản công khác theo quy định.

Ông La Văn Thịnh cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải theo hình thức đấu thầu rộng rãi đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Theo đó, giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán.

Lãnh đạo Cục Quản lý công sản khẳng định, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Đáng chú ý, ông Thịnh cho biết, để đảm bảo tính thống nhất đặc biệt đối với các loại tài sản công có giá trị lớn như trụ sở làm việc, nghị định này quy định việc sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT thực hiện theo quy định và sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục