Nghị sĩ Mỹ tiếp tục bế tắc nâng mức trần nợ công

Cuộc thương lượng giữa nghị sĩ Dân chủ-Cộng hòa về nâng mức trần nợ công đã rơi vào ngõ cụt khi các nghị sĩ Cộng hòa từ chối thảo luận.
Nợ công tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi tại nghị trường Mỹ. Các cuộc thương lượng ngày 23/6 giữa nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa về nâng mức trần nợ công đã rơi vào ngõ cụt sau khi các nghị sĩ đảng Con Voi (biểu tượng của Cộng hòa) từ chối thảo luận với cáo buộc Nhà Trắng đưa ra các đòi hỏi tăng chi tiêu và tăng thuế quá cao.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Eric Cantor, đã không tham gia các cuộc thương lượng về nợ công do Phó Tổng thống Joseph Biden chủ trì với lý do đảng Dân chủ tiếp tục muốn tăng thuế.

Ông nhấn mạnh sẽ Cộng hòa sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi các tranh cãi về thuế được giải quyết. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner cũng tán đồng quan điểm này.

Về phần mình, Phó Tổng thống Biden tiếp tục tái khẳng định lập trường của Nhà Trắng cho rằng cần tìm kiếm một cách tiếp cận cân bằng đối với giải quyết nợ công, cụ thể là cân bằng giữa tăng thuế và giảm chi tiêu của chính phủ. Theo ông, các bên phải có những sự nhượng bộ nhất định.

Trước tình hình hiện nay, giới quan sát lo ngại nguy cơ mức trần nợ công của Mỹ (hiện là 14,29 nghìn tỷ USD) khó có thể được nâng lên vào thời hạn chót 2/8 tới. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Mỹ sẽ bị chao đảo và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế như Fitch Ratings không ngừng cảnh báo sẽ hạ mức xếp hạng của Mỹ.

Trước đó, tháng Tư vừa qua, Standard & Poor's đã hạ thấp triển vọng nợ công của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực. Tuyên bố của những công ty xếp hạng tín nhiệm về tình hình ở Mỹ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên thị trường tài chính.

Chuyên gia Aleksei Golubovich, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc hãng đầu tư Arbat Capital Management cho rằng Mỹ sẽ phải nâng mức trần nợ công nếu không muốn tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, có thể từ mức 9,5% hiện nay lên tới 16%.

Luật hiện hành giới hạn tổng số nợ của Mỹ ở mức 14,3 nghìn tỷ USD, nhưng số nợ hiện nay của nền kinh tế đã lên tới giới hạn đó (vào ngày 16/5 vừa qua), buộc Bộ Tài chính nước này phải thực hiện các biện pháp đặc biệt, trong khi các nghị sĩ Mỹ vẫn bất đồng về nâng mức trần nợ công. Mâu thuẫn mấu chốt giữa đảng Cộng hòa, kiểm soát Hạ viện, và đảng Dân chủ, chiếm đa số tại Thượng viện, trong vấn đề này là các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ việc tăng mức trần nợ công nếu không có một thoả thuận cắt giảm chi tiêu đáng kể, trong khi các nghị sĩ Dân chủ lại cho rằng việc cắt giảm chi tiêu phải thực hiện một cách thận trọng để bảo vệ các chương trình phúc lợi xã hội dành cho tầng lớp nghèo khổ và người cao tuổi cũng như đảm bảo rằng quá trình phục hồi kinh tế không bị cản trở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục