Một nghiên cứu mới ở Ấn Độ đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy người hiến tạng chủ yếu là phụ nữ, đặc biệt là ở châu Á, trong khi người nhận nội tạng chủ yếu là nam giới.
Điều này cho thấy sự bất bình đẳng giới đối vối phụ nữ hiện diện ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, ngay cả ở phần sức khỏe.
Phụ nữ luôn là người hiến tặng
Báo cáo được công bố vào ngày 15/11 dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Cấy ghép Mô và Nội tạng Quốc gia (NOTTO) ở New Delhi, Ấn Độ, cho thấy từ năm 1995 đến năm 2021, 80% người hiến tạng còn sống là phụ nữ, chủ yếu là những người vợ và mẹ. Trong khi người nhận phần lớn là nam giới.
Những phát hiện của nghiên cứu đó lặp lại một báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Cấy ghép châu Á, có trụ sở chính tại Hàn Quốc. Dựa trên dữ liệu từ 13 địa điểm ở châu Á-Thái Bình Dương, người ta thấy rằng khoảng 60% số người hiến thận còn sống là phụ nữ. Và tỷ lệ phụ nữ hiến thận còn sống đã vượt xa số lượng nam giới hiến thận còn sống ở mọi nơi, ngoại trừ Hong Kong, Pakistan và Philippines.
Báo cáo đó cũng cho thấy phụ nữ ít có khả năng được cấy ghép hơn so với nam giới.
Liên hợp quốc kêu gọi các nước cùng chung tay chống bất bình đẳng
Ở Bangladesh, tỷ lệ phụ nữ được ghép thận từ người hiến tặng còn sống chỉ là 18%.
Các bác sỹ cho biết không có lý do y học cơ bản nào khiến nam giới cần cấy ghép nội tạng thường xuyên hơn phụ nữ.
“Chúng ta phải giả định rằng mức độ phổ biến của các bệnh dẫn đến nhu cầu cấy ghép ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ ở mức độ tương tự. Nếu những phụ nữ cần cấy ghép không được điều trị thì đó chắc chắn là một vấn đề,” Tiến sỹ Anil Kumar, giám đốc NOTTO, nói với The Indian Express.
Một lời giải thích mà các nhà nghiên cứu đưa ra cho sự chênh lệch giới tính giữa người hiến tạng ở châu Á là nam giới thường được coi là “người trụ cột trong gia đình,” do đó sức khỏe của họ là ưu tiên trong các gia đình.
Các yếu tố văn hóa và xã hội dẫn đến những khác biệt này không thể chỉ thấy ở châu Á mà nó còn được quan sát thấy ở phương Tây.
Vào năm 2022, Ủy ban Cấy ghép Nội tạng của Hội đồng châu Âu đã xem xét dữ liệu từ gần 60 quốc gia và nhận thấy rằng phụ nữ vẫn là nguồn nội tạng hàng đầu được lấy từ những người hiến tạng còn sống với tỷ lệ 61,1%.
“Nam giới liên tục nhận được phần lớn nội tạng được cấy ghép vào năm 2019. Nam giới nhận được 65% thận, 67% gan, 71% tim, 60% phổi và 58% tuyến tụy,” báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, sự chênh lệch thậm chí còn rõ rệt hơn ở các quốc gia như Bangladesh và Ấn Độ. Điều này nói lên những áp lực kinh tế và xã hội mà phụ nữ ở một số quốc gia đang phát triển vẫn phải chịu đựng.
Bác sỹ tim mạch Sanjay Zutschi cho biết: "Áp lực văn hóa ảnh hưởng đến hầu hết phụ nữ trên toàn cầu bởi phụ nữ luôn cảm thấy mình là người phải chịu áp lực, thiệt thòi vì nam giới thường là nguồn thu nhập chính của gia đình.”
Trong một bài báo trên tạp chí Cấy ghép, các tác giả đã viết: “Việc mất thu nhập trong quá trình đánh giá, phẫu thuật và phục hồi… ‘ngăn cản’ đàn ông hiến tặng và do đó, người vợ bị ‘ép buộc’ trở thành người hiến tặng. Quả thực, áp lực gia đình đối với phụ nữ ngày càng lớn."
Mối liên hệ giữa việc hiến tạng và địa vị của phụ nữ
Theo Tiến sỹ Srivari Bhanuchandra, điều phối viên cấy ghép nội tạng tại Bệnh viện Đa khoa Osmania ở Hyderabad, Ấn Độ, các gia đình tin rằng nếu có chuyện gì xảy ra với phụ nữ sau khi hiến tặng thì điều đó không quá nghiêm trọng vì cô ấy thường là người nội trợ, đặc biệt là ở các hộ gia đình có thu nhập thấp.
“Cảm giác là nếu có điều gì đó xảy ra với người phụ nữ thì nó cũng không tệ như có điều gì đó xảy ra với người đàn ông,” Bhanuchandra nói.
Cũng như các bác sỹ khác, ông cho biết hiếm khi người chồng hiến tạng cho vợ. Trong một số trường hợp, đàn ông lấy nội tạng từ vợ mình, ngay cả khi họ có anh trai có thể là người hiến tạng lý tưởng.
Cảm xúc của việc hiến tạng rất phức tạp. Các bác sỹ nêu ví dụ về những người chồng Ấn Độ đề nghị quyên góp cho vợ nhưng vợ lại từ chối vì cảm thấy "tội lỗi."
Bhanuchandra nói: “Ngay cả khi người phụ nữ ban đầu chấp nhận lời đề nghị, cô ấy vẫn bị áp lực không chấp nhận vì bố mẹ chồng - và thậm chí cả bố mẹ ruột của cô ấy - ngăn cản cô ấy. Nhưng ở tình huống ngược lại, khi người chồng cần thì bố mẹ hai bên lại khuyên cô ấy nên hiến tặng."
Mối liên hệ giữa hiến tạng và địa vị của phụ nữ có vẻ rất chặt chẽ. Nghiên cứu của Hiệp hội Cấy ghép châu Á cho thấy tỷ lệ nữ hiến tạng còn sống thấp nhất đến từ Philippines, ở mức 50%.
“Điều này có thể giải thích là do địa vị xã hội cao của phụ nữ ở đất nước này. Nghiên cứu cho biết Philippines tuân theo chế độ mẫu hệ như một chuẩn mực xã hội.
Đối với Tiến sỹ Sandeep Guleria, bác sỹ phẫu thuật cấy ghép tại Bệnh viện Apollo ở Delhi, tình trạng này có thể được khắc phục. Anh ấy cho biết ngày càng có nhiều người đến tư vấn ở bệnh viện anh ấy.
Tại Apollo, con số hiện nay gần bằng nhau, với tỷ lệ hiến tặng từ phụ nữ giảm từ khoảng 75% một thập kỷ trước xuống còn 51% trong năm nay, điều mà bệnh viện cho rằng một phần là do các bác sỹ đưa ra quan điểm trấn an nam giới rằng họ sẽ ổn sau khi phẫu thuật.
Tuy nhiên, báo cáo của Hiệp hội Cấy ghép châu Á năm 2022 lưu ý rằng “sự chênh lệch mà họ thu thập được không hề giảm đi”./.