Ngày 6/5, một cuộc hội thảo khoa học đặc biệt nhằm tổng hợp và đóng góp những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm thực thi đầy đủ và hiệu quả Hiến pháp 2013 về vấn đề xây dựng bộ máy Nhà nước đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Với chủ đề "Tổ chức bộ máy nhà nhà nước theo Hiến pháp năm 2013", cuộc hội thảo thu hút hàng chục tham luận của các nhà khoa học pháp lý tại các cơ sở nghiên cứu trong cả nước, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
Hội thảo do do Viện chính sách công & pháp luật phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức.
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, phát huy tinh thần dân chủ, công tâm trong sinh hoạt khoa học, các nhà khoa học tham dự hội thảo đã phân tích, làm rõ nội hàm các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 2013, phát hiện những giá trị kế thừa, những giá trị mới làm giàu thêm kho tàng lý luận và thực tiễn của Đảng và Nhà nước về Hiến pháp, về tổ chức bộ máy nước trong giai đoạn mới góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Các chuyên gia tại hội thảo thống nhất Hiến pháp năm 2013 đã định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng, thẩm quyền của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đặc biệt nhấn mạnh đến điểm mới và nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là sự ra đời của hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Do đó, việc bàn bạc, thống nhất nguyên tắc tổ chức của hoạt động đặc thù của các thiết chế hiến định độc lập này thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, tạo mối liên hệ phối thuộc với các thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, cũng cần giới hạn thẩm quyền của các thiết chế hiến định độc lập, bảo đảm để sự giám sát của các thiết chế này không cản trở hay can thiệp vào chức năng và thẩm quyền của các thiết chế quyền lực nhà nước.
Nhấn mạnh đến chế định Hội đồng Bầu cử quốc gia, một điểm mới rất đáng lưu ý trong Hiến pháp 2013, tiến sỹ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần thiết ban hành một luật riêng quy định về tổ chức, hoạt động, về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể, về những điều kiện, kinh phí đảm bảo cho Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động có hiệu quả.
Cơ quan này sẽ có vị trí và chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ rất quan trọng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo quan điểm này, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ là cơ quan hoạt động thường xuyên chứ không phải lâm thời như Hội đồng bầu cử Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập trước đây.
Trên cơ sở phân tích đó, tiến sỹ Vũ Đức Khiển đề nghị Quốc hội cần bổ sung dự án Luật Tổ chức Hội đồng bầu cử quốc gia vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2014 bên cạnh các dự án luật quan trọng liên quan đến thi hành Hiến pháp như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân…
Trong một tham luận nhận được nhiều sự chú ý tại hội thảo về tính hiệu quả trong vận hành của bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp 2013, tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa, chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: "tựa như doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng, chính quyền cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân."
Đề cao mô hình trung tâm chính trị-hành chính của chính quyền tỉnh Bình Dương như một điển hình cho phương thức và chất lượng phục vụ doanh nghiệp; mô hình chính quyền quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - tiêu biểu cho những nỗ lực làm hài lòng người dân, tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa đề nghị, cần tăng cường hơn nữa việc phân cấp quyền lực cho các cấp địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chính quyền tự quản địa phương của mình một cách linh hoạt, hiệu quả.
Sau khi được công bố, những kết quả nghiên cứu khoa học về Hiến pháp, về tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 2013 tại hội thảo sẽ là những giá trị khoa học quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân; đồng thời đảm bảo Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội./.