Trong thời gian qua, kể từ hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 16 (năm 2011), công tác ngoại vụ địa phương tiếp tục phát triển tích cực với những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Vai trò quan trọng của các địa phương cho công tác ngoại giao nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung ngày càng được khẳng định.
Trong Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội ngày 15/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện. Chủ đề của hội nghị Ngoại vụ lần thứ 17 “Phát huy vai trò của địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế” đã khẳng định vai trò quan trọng của các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, bởi lẽ thành công của hội nhập quốc tế cần có sự đồng thuận và tham gia tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Sau khi Nghị định số 58/2013/N Đ-CP ngày 11/6/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao được ban hành, ngày 28/10/2013, Bộ trưởng Ngoại giao đã ký quyết định số 3088/QĐ-BNG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Ngoại vụ. Đây là đơn vị đầu mối phục vụ công tác đối ngoại địa phương, có chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động đối ngoại địa phương, quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
Theo ông Đào Xuân Hiền, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc, sự ra đời của Cục Ngoại vụ đã được mong đợi từ lâu và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Có thể nói, Cục ra đời là đầu mối giúp các địa phương một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để gặp gỡ, giao lưu với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cũng là đầu mối để giúp cho các địa phương tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư ở nước ngoài...
Vì vậy, việc ra đời của Cục Ngoại vụ địa phương là phù hợp với tình hình thực tiễn và cũng góp phần triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đồng thời thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị một cách thiết thực và hiệu quả.
Ông Đào Xuân Hiền nhấn mạnh sự ra đời của Cục Ngoại vụ là thiết thực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các địa phương cả nước nói chung trong việc làm đầu mối giúp địa phương kết nối sự hợp tác, giúp đỡ, tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và các địa phương nói chung ra với các bạn bè quốc tế.
“Chúng tôi kỳ vọng sự thành lập của Cục lần này sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho công tác ngoại vụ của các địa phương đối với công tác phục vụ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, đặc biệt là phục vụ ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa tốt hơn,” ông Hiền chia sẻ.
Thống nhất với quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định việc thành lập Cục Ngoại vụ trong bộ máy của Bộ Ngoại giao là một bước đi quan trọng và đúng hướng. Đây cũng là một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng cho các hoạt động đối ngoại của các địa phương.
Với tư cách là một đơn vị của Bộ Ngoại giao đóng ở phía Nam, theo phân công, Sở thay mặt Bộ hỗ trợ, quản lý các hoạt động đối ngoại từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào và các tỉnh Tây Nguyên. Việc thành lập Cục Ngoại vụ, cơ quan quản lý Nhà nước cấp vĩ mô sẽ góp phần hỗ trợ Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, trong khi cả nước hiện mới có 45 Sở Ngoại vụ trong tổng số 63 tỉnh, thành, đội ngũ cán bộ Ngoại vụ nhiều người từ ngành khác chuyển sáng, chưa được đào tạo bài bản về công tác ngoại giao cũng như các nghiệp vụ khác, Cục Ngoại vụ sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ. Như vậy, với việc ra đời của Cục Ngoại vụ, công tác đối ngoại của các địa phương sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ cơ quan cấp Cục để hoạt động hiệu quả hơn.
Về vấn đề này, ông Lê Bá Vũ, Giám đốc Sở Ngoại vụ Cao Bằng kiến nghị nên mở rộng mạng lưới ngoại vụ đến cấp phòng và có phòng ngoại vụ tại huyện.
Trên cơ sở đánh giá tình hình công tác ngoại vụ địa phương và việc thực hiện đường lối đối ngoại trong nửa nhiệm kỳ đầu Đại hội Đảng XI, Bộ Ngoại giao và các địa phương đã nhất trí trong thời gian tới, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong hệ thống hoạt động của Bộ Ngoại giao, Cục Ngoại vụ là cơ quan đầu mối tổng hợp thông tin của địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ; tổ chức điều phối, cung cấp thông tin định hướng hai chiều với địa phương và cơ quan đại diện.../.