Ngôi nhà nhỏ và giấc mơ xoa dịu “nỗi đau da cam”

Trung tâm Nuôi dưỡng và Dạy nghề Phú Quý đã chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho gần 300 trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.
Căn nhà ba tầng rộng rãi của vợ chồng chị Thúy bỗng trở nên bề bộn, chật hẹp hơn với những máy khâu, khung thêu… Ngày ngày, chị lặng thầm với công việc phục hồi chức năng và dạy nghề cho hàng chục trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Để thực hiện giấc mơ xây dựng mái nhà chung, giúp các em tự tin hòa nhập cuộc sống, chị Thúy đã không ngần ngại dành toàn bộ ngôi nhà riêng của gia đình làm nơi ăn chốn ở cho những trẻ em không may phải gánh chịu “nỗi đau da cam” ở Bắc Giang. Từ niềm khắc khoải cá nhân... Khoảng ba năm trở lại đây, chị Khổng Thị Thúy (Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Dạy nghề Phú Quý, tỉnh Bắc Giang) được người dân địa phương gọi với cái tên thân mật là “Thúy da cam.” Từ khi được thành lập, trung tâm đã chăm sóc, phục hồi chức năng và dạy nghề cho hàng trăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, thắp lên ngọn lửa niềm tin và khát vọng sống cho các em. [Hội cựu chiến binh TTXVN tặng quà nạn nhân dioxin] Hồi tưởng lại thời gian ba năm trước, khi quyết định thành lập trung tâm, chị tâm sự: “Xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân-con trai bị một căn bệnh hiểm nghèo hành hạ do nhiễm chất độc màu da cam từ cha-tôi hiểu hơn ai hết những nỗi đau không lời mà các gia đình, em nhỏ là nạn nhân của loại hóa chất này đang phải gánh chịu.” Năm 1981, chị Thúy kết hôn với một thương binh từng chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, Campuchia. Người con trai duy nhất mới chào đời đã bị teo cơ toàn thân, rồi dần chuyển sang bệnh máu loãng. Gần 30 năm nuôi con là chừng ấy thời gian vợ chồng chị đưa con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ chạy chữa. Mỏi mòn hy vọng! Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, giọng chị trầm buồn: “Cuộc sống của vợ chồng tôi không tách rời hai chữ ‘bắt đầu.’ Trở về sau mỗi chuyến đưa con đi điều trị, chúng tôi lại… trắng tay. Để có tiền tiếp tục đưa con đi chữa chạy, chúng tôi không thể không bắt đầu làm lại tất cảm!” Đắng lòng chứng kiến cảnh con trai từng ngày chống chọi với bệnh tật, bao đêm nước mắt chị đã rơi. Dằn vặt. Xót xa. “Nhiều khi, tôi thấy mình bất lực. Giá như người làm mẹ như tôi có thể gánh thay những đau đớn mà con mình đang phải chịu đựng,” giọng chị nghẹn lại. Thêm vào đó, vốn xuất thân là người lính quân y thuộc Sư đoàn 395-Đặc khu Quảng Ninh, trực tiếp sống và trải nghiệm qua thời kỳ lửa đạn, chị thấu hiểu sâu sắc những nỗi đau từ sự ác liệt của chiến tranh. “Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng vẫn còn đó, những nỗi đau vẫn kéo dài. Chứng kiến các cháu là con em của những đồng chí, đồng đội của mình đang thất học, không có điều kiện giao lưu với xã hội, ngày ngày phải đối mặt với những dị tật do nhiễm chất độc màu da cam, tôi thấy mình cần phải làm một điều gì đó để giúp đỡ các em,” chị chia sẻ. Nơi gieo mầm hạnh phúc Với tâm niệm “Cho đi yêu thương sẽ nhận được thương yêu,” chị Thúy nuôi dưỡng ý tưởng thành lập một trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho những người có cùng hoàn cảnh như con mình, lấy tên là “Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề Phú Quý.” Năm 2009, chị tham gia Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bắc Giang. Ý tưởng của chị đã được Tỉnh hội nhiệt tình tán thành. Những ngày trung tâm mới đi vào hoạt động, khó khăn chồng chất, thiếu thốn trăm bề. Chưa có mặt bằng, nguồn kinh phí hạn hẹp, chị đã dành toàn bộ ngôi nhà riêng của mình làm trụ sở của trung tâm. Hàng chục em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam ở Bắc Giang đã được chị đón về chăm sóc, dạy nghề. “Mỗi em đến đây có một hoàn cảnh riêng. Có em bị thiểu năng trí tuệ, có cháu bị liệt cả hai chân, phải di chuyển bằng hai tay, lại có cháu không may bị cả câm và điếc,… Tôi hy vọng trung tâm như một mái nhà chung giúp các em chia sẻ buồn vui, tự tin hòa nhập cuộc sống hơn,” chị Thúy tâm sự. Ngày ngày, chị vẫn  miệt mài cùng một số cán bộ của trung tâm chăm sóc, dạy các em nghề thêu tay truyền thống, nghề mây tre đan. Chị kể, các em mang nhiều dị tật bẩm sinh nên có khi phải mất hàng giờ đồng hồ để hướng dẫn một thao tác đơn giản; cũng có em, vừa dạy xong đã quên ngay. “Nhưng khi thấy các em bớt mặc cảm về bản thân và cất tiếng gọi ‘mẹ,’ chúng tôi như thấy lòng ấm lại, bao mệt mỏi đều tan biến hết,” chị Thúy nói trong niềm hạnh phúc. Cứ như vậy, trung tâm đã trở thành mái nhà chung của rất nhiều trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam trên toàn tỉnh Bắc Giang. Tính đến nay, trung tâm đã nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho gần 300 em./.
Trung tâm Nuôi dưỡng và Dạy nghề Phú Quý (Khu Phố 3-Phường Mỹ Độ-Thành phố Bắc Giang-Tỉnh Bắc Giang) là thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam
 
Ngày 20/10/2010, Trung tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ra ra quyết định chấp thuận đầu tư 13000m2 đất, để xây dựng thành Trung tâm sản xuất và xuất khẩu tiểu thủ công nghiệp; bảo trợ, nuôi dưỡng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh Bắc Giang.

Dự kiến, trung tâm sẽ khánh thành và đi vào hoạt động trong quý 3 năm 2013.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục