Người cán bộ cấp dưỡng vinh dự ba lần gặp Bác

Mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm được gặp Bác Hồ là bác Phạm Ngọc Thể, ở tổ 8, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình rưng rưng xúc động.
Mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm được gặp Bác Hồ là bác Phạm Ngọc Thể, ở tổ 8, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình xúc động rưng rưng nước mắt.

Ở độ tuổi “thập cổ,” sức khỏe yếu dần nhưng những lời dạy của Bác Hồ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của người thanh niên lúc bấy giờ đang đảm nhiệm công tác quản lý bếp ăn và cấp dưỡng cho cán bộ giáo viên, học sinh của trường Thanh niên Lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình (nay là trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình).

Bác Thể cho biết bác may mắn được gặp Bác Hồ ba lần. Lần thứ nhất là vào ngày 19/10/1958, tại trường Hợp tác hóa Nông nghiệp tỉnh, ở xã Bến Ngọc, huyện Kỳ Sơn; lần thứ hai là vào ngày 18/3/1960, tại Đại hội Thanh niên tích cực lao động Xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc ở thủ đô Hà Nội; và lần thứ ba, Bác đến thăm nhà trường vào ngày 17/8/1962.

Bác kể lại lần gặp Bác lần thứ ba: "Khoảng 8 giờ sáng ngày 17/8/1962, Bác Hồ đến thăm nhà trường. Tôi nhớ Bác Hồ mặc bộ quần áo lụa màu nâu, chân đi đôi dép lốp cao su, tay cầm chiếc mũ cát màu trắng. Vừa vào đến cổng trường, Bác Hồ đi thẳng xuống bếp để xem đời sống của cán bộ giáo viên học sinh có đủ no hay không và đây cũng là vấn đề được Bác đặt lên hàng đâu trong một trường vừa làm, vừa học.

Thật bất ngờ, tôi lo lắng và hồi hộp chưa biết báo cáo gì với Bác thì Bác đã đứng ngay bên cạnh. Bác Hồ nhìn tôi với nét mặt hiền từ và nhân hậu, Bác hỏi: "Hôm nay cháu nấu những món ăn gì kể cho Bác nghe?"

Được Người ân cần hỏi han, tôi trấn tĩnh lại rồi thưa với Bác: "Hôm nay cháu nấu hai món, canh rau cải nấu gừng và thịt kho đậu phụ ạ." Ở bên Bác, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, hăng say với công việc hơn, đôi bàn tay đảo thịt với đậu phụ như nhuần nhuyễn thêm.

Bác Hồ đứng xem “anh nuôi” trổ tài nấu nướng, Bác khen nấu ăn thế này là ngon rồi, Bác khen nhà ăn, nhà bếp gọn gàng, sạch sẽ và Bác dạy: "Cháu phải học thêm cách nấu ăn để cơm chín, canh ngon hơn. Phải giữ gìn vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập và lao động."

Bác Thể hăng say kể chuyện, câu chuyện lôi cuốn như vừa mới xảy ra hôm qua. Trong trí nhớ của bác Thể luôn in sâu những lời căn dặn, chỉ bảo ân cần của Bác, nhất là đối với một người Đảng viên, Bác Hồ dạy: “Cán bộ trong Đảng cũng như ngoài Đảng, trước khi nhận nhiệm vụ đều hứa hết lòng hy sinh vì Đảng, vì Cách mạng. Hết lòng là chỗ nào nhân dân cần thì mình đi chỗ ấy. Những người ngại khó, ngại khổ muốn chuyển về miền xuôi, đổi công việc cho an nhàn, thế có phải là hết sức, hết lòng không? Thế là tự dối mình, dối Đảng, dối nhân dân…"

Bác Hồ còn động viên anh, em cán bộ giáo viên cùng toàn thể học sinh phải luôn luôn phấn đấu, “Phải: Học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”; “Các cháu hãy cố gắng làm tốt hơn, Bác sẽ về thăm trường lần nữa."

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, người thanh niên cấp dưỡng Phạm Ngọc Thể luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của một người cán bộ. Ông chịu khó học tập và rèn luyện, được đề bạt giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, cùng tập thể lãnh đạo nhà trường luôn phấn đấu làm theo lời dạy của Người: “Dù khó khăn đến đâu thì thầy và trò nhà trường kiên trì bám theo đường lối giáo dục của Đảng. Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội."

Sau chuyến đón Bác về thăm năm đó, tập thể cán bộ giáo viên và các em học sinh nhà trường không còn dịp đón Bác Hồ đến thăm nữa.

Nhưng với bác Phạm Ngọc Thể thì đó là những kỷ niệm sâu sắc nhất, vinh dự lớn lao nhất trong cuộc đời công tác, bác luôn tâm niệm sẽ cố gắng thực hiện đúng lời dặn dò của Người: “Việc gì tốt dù nhỏ cũng làm - việc gì xấu dù nhỏ cũng tránh”./.

Quốc Trị (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục