Không đài báo, không sóng truyền hình, không có cả tivi, điện thoại liên lạc, hàng nghìn hộ dân vùng rốn lũ các tỉnh miền Trung vẫn đang “đói” thông tin sau hơn một tháng trở lại đời thường.
Đã từ mấy tuần nay, anh Lê Sỹ Tiến (Phúc Thọ, Can Lộc, Hà Tĩnh) không thể xem dự báo thời tiết để chuẩn bị cày mảnh ruộng xác xơ sau lũ. Theo nước sông Nghèn dâng hồi cuối tháng Mười, chiếc ti vi đen trắng của anh đã mất. Nhìn vào khoảng trống thụt sâu vào tường vốn để chiếc tivi, anh rầu rĩ: “Ngày tôi phải đi làm thuê bên ngoài thị trấn, chẳng có lúc nào nghe đài hay xem được thời sự. Về nhà lại càng không. Mọi thông tin đều chỉ nghe người ta bàn tán.”
Cũng giống anh Tiến, hiện còn rất nhiều hộ thuộc các xã của huyện Can Lộc không nắm được những thông tin tối thiểu vì không còn tivi. Mặc dù, hệ thống phát thanh xã vẫn hoạt động, nhưng do sau lũ, người dân phải đi làm thuê bên ngoài nhiều, không có thời gian theo dõi nên tình trạng “mù” thời sự càng phổ biến.
“Độ phủ sóng” thông tin tới một số xã của huyện Minh Hóa, Quảng Bình thậm chí còn trở về con số 0 tròn trĩnh.
Ngồi bần thần trong căn nhà trống huếch hoác, chị Cao Thị Thu Hoài, thôn 3, Kim Bảng (xã Minh Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) cứ hết lắp pin vào chiếc đài cũ kỹ lại tháo pin ra. Trong cơn lũ vừa qua, do nước dâng lên quá nhanh, nên chị chỉ kịp vơ vội chiếc đài cùng vài đồ đạc nhỏ trước khi di tản.
“Rứa mà, mưa vào, nó cũng hỏng luôn. Giờ, tôi nỏ có chi để nghe thời sự nữa đó. Đến thời tiết ngày mai ra sao, tôi cũng chịu,” chị Hoài than thở.
Hàng xóm của chị, anh Cao Văn Thông còn rầu rĩ hơn vì chiếc ti vi màu, tài sản quý giá nhất của cả gia đình cũng đã bị hỏng do nước ngâm quá lâu. Dù được sửa chữa miễn phí, nhưng chiếc vô tuyến cũ kỹ của anh vẫn không thể bật lên được.
Anh Thông rầu rĩ: “Bữa nớ, chạy lũ, còn người là may, chứ chẳng ai nghĩ đến tivi. Giờ quay lại, không còn gì để coi tin tức nữa.”
Rất nhiều người dân Minh Hóa, từ hơn một tháng nay đã sống trong cảnh “đói” thông tin vì không còn đài điện, vô tuyến. Đến ngay cả hệ thống phát thanh của xã cũng bị hư hỏng nặng do ngập cao.
Những gia đình khác thuộc các xã Tân Hóa, Thượng Hóa huyện Minh Hóa, Quảng Bình… thậm chí còn rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì mặc dù đài, vô tuyến đã hoạt động được, nhưng cũng đành để đấy, hoặc chỉ để xem đĩa vì toàn xã không còn sóng.
Dẫn chúng tôi ra một bãi đất trống ngổn ngang rác và củi mục, chủ tịch xã Tân Hóa Cao Văn Lục chỉ tay vào một căn nhà hai tầng tiếc rẻ: “Trạm truyền hình trước kia của xã chừ chẳng còn gì nên có tivi cũng như không.”
Mặc dù trạm đã được xây dựng theo mô hình nhà sàn cao để đề phòng lụt với thiết kế tầng hai để các thiết bị thu phát nhưng tại “cao điểm” lũ, nước vẫn nuốt chửng cả trạm. Toàn bộ thiết bị bên trong các phòng đều bị xô ngã chỏng chơ và hư hỏng hoàn toàn. Ngay đến cả tên biển “Trạm phát sóng Tân Hóa” cũng phải khó khăn lắm chúng tôi mới đọc ra.
Ông Lục cho biết thêm, ngày trước, trạm còn có một cột thu phát sóng cao tới hơn 30 mét trước cửa. Toàn bộ các chương trình truyền hình của huyện cũng như trung ương theo đó được chuyển tới toàn bộ 621 hộ dân trong xã. Vậy mà, chỉ cần một cơn lũ, cây cột này đã bị “thổi bay”, đến giờ xã vẫn chưa thể tìm lại được. Dấu tích duy nhất còn sót lại là phần gốc chừng gần 1 mét chỏng chơ nhô lên trời.
“Sau khi nước rút, một số hộ có điều kiện đã lắp chảo để thu sóng trực tiếp, nhưng con số này không nhiều,” ông Lục khẳng định.
Không thời sự, không thông tin, nhiều hộ còn rơi vào cảnh “trắng” viễn thông vì máy điện thoại cũng hỏng hoàn toàn.
Giơ chiếc di động không thể khởi động, anh Cao Tiến Dũng, thôn 3, Minh Hóa thật thà: “Nước ướt hết trơn, sim bị cháy. Giờ tôi chẳng còn biết số ai để gọi nữa.”
Tại xã Thượng Hóa, điểm cao nhất của huyện, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Không sóng phát thanh, điện thoại hỏng nhiều, nên giờ để thông báo tình hình trong xã, các cán bộ phải rất vất vả đến từng khu thông báo.
Ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa cho hay, chỉ tính thiệt hại về vật chất, thì riêng trạm truyền hình Tân Hóa đã thiệt hại đến 416 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Chất cũng khẳng định, huyện sẽ cấp lại số tiền trên để khôi phục trạm Tân Hóa trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, các trạm khác bị hư hỏng cùng hệ thống phát thanh xã cũng sẽ nhanh chóng được sửa chữa nhằm đưa thông tin đến với người dân một cách kịp thời nhất./.
Đã từ mấy tuần nay, anh Lê Sỹ Tiến (Phúc Thọ, Can Lộc, Hà Tĩnh) không thể xem dự báo thời tiết để chuẩn bị cày mảnh ruộng xác xơ sau lũ. Theo nước sông Nghèn dâng hồi cuối tháng Mười, chiếc ti vi đen trắng của anh đã mất. Nhìn vào khoảng trống thụt sâu vào tường vốn để chiếc tivi, anh rầu rĩ: “Ngày tôi phải đi làm thuê bên ngoài thị trấn, chẳng có lúc nào nghe đài hay xem được thời sự. Về nhà lại càng không. Mọi thông tin đều chỉ nghe người ta bàn tán.”
Cũng giống anh Tiến, hiện còn rất nhiều hộ thuộc các xã của huyện Can Lộc không nắm được những thông tin tối thiểu vì không còn tivi. Mặc dù, hệ thống phát thanh xã vẫn hoạt động, nhưng do sau lũ, người dân phải đi làm thuê bên ngoài nhiều, không có thời gian theo dõi nên tình trạng “mù” thời sự càng phổ biến.
“Độ phủ sóng” thông tin tới một số xã của huyện Minh Hóa, Quảng Bình thậm chí còn trở về con số 0 tròn trĩnh.
Ngồi bần thần trong căn nhà trống huếch hoác, chị Cao Thị Thu Hoài, thôn 3, Kim Bảng (xã Minh Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) cứ hết lắp pin vào chiếc đài cũ kỹ lại tháo pin ra. Trong cơn lũ vừa qua, do nước dâng lên quá nhanh, nên chị chỉ kịp vơ vội chiếc đài cùng vài đồ đạc nhỏ trước khi di tản.
“Rứa mà, mưa vào, nó cũng hỏng luôn. Giờ, tôi nỏ có chi để nghe thời sự nữa đó. Đến thời tiết ngày mai ra sao, tôi cũng chịu,” chị Hoài than thở.
Hàng xóm của chị, anh Cao Văn Thông còn rầu rĩ hơn vì chiếc ti vi màu, tài sản quý giá nhất của cả gia đình cũng đã bị hỏng do nước ngâm quá lâu. Dù được sửa chữa miễn phí, nhưng chiếc vô tuyến cũ kỹ của anh vẫn không thể bật lên được.
Anh Thông rầu rĩ: “Bữa nớ, chạy lũ, còn người là may, chứ chẳng ai nghĩ đến tivi. Giờ quay lại, không còn gì để coi tin tức nữa.”
Rất nhiều người dân Minh Hóa, từ hơn một tháng nay đã sống trong cảnh “đói” thông tin vì không còn đài điện, vô tuyến. Đến ngay cả hệ thống phát thanh của xã cũng bị hư hỏng nặng do ngập cao.
Những gia đình khác thuộc các xã Tân Hóa, Thượng Hóa huyện Minh Hóa, Quảng Bình… thậm chí còn rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì mặc dù đài, vô tuyến đã hoạt động được, nhưng cũng đành để đấy, hoặc chỉ để xem đĩa vì toàn xã không còn sóng.
Dẫn chúng tôi ra một bãi đất trống ngổn ngang rác và củi mục, chủ tịch xã Tân Hóa Cao Văn Lục chỉ tay vào một căn nhà hai tầng tiếc rẻ: “Trạm truyền hình trước kia của xã chừ chẳng còn gì nên có tivi cũng như không.”
Mặc dù trạm đã được xây dựng theo mô hình nhà sàn cao để đề phòng lụt với thiết kế tầng hai để các thiết bị thu phát nhưng tại “cao điểm” lũ, nước vẫn nuốt chửng cả trạm. Toàn bộ thiết bị bên trong các phòng đều bị xô ngã chỏng chơ và hư hỏng hoàn toàn. Ngay đến cả tên biển “Trạm phát sóng Tân Hóa” cũng phải khó khăn lắm chúng tôi mới đọc ra.
Ông Lục cho biết thêm, ngày trước, trạm còn có một cột thu phát sóng cao tới hơn 30 mét trước cửa. Toàn bộ các chương trình truyền hình của huyện cũng như trung ương theo đó được chuyển tới toàn bộ 621 hộ dân trong xã. Vậy mà, chỉ cần một cơn lũ, cây cột này đã bị “thổi bay”, đến giờ xã vẫn chưa thể tìm lại được. Dấu tích duy nhất còn sót lại là phần gốc chừng gần 1 mét chỏng chơ nhô lên trời.
“Sau khi nước rút, một số hộ có điều kiện đã lắp chảo để thu sóng trực tiếp, nhưng con số này không nhiều,” ông Lục khẳng định.
Không thời sự, không thông tin, nhiều hộ còn rơi vào cảnh “trắng” viễn thông vì máy điện thoại cũng hỏng hoàn toàn.
Giơ chiếc di động không thể khởi động, anh Cao Tiến Dũng, thôn 3, Minh Hóa thật thà: “Nước ướt hết trơn, sim bị cháy. Giờ tôi chẳng còn biết số ai để gọi nữa.”
Tại xã Thượng Hóa, điểm cao nhất của huyện, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Không sóng phát thanh, điện thoại hỏng nhiều, nên giờ để thông báo tình hình trong xã, các cán bộ phải rất vất vả đến từng khu thông báo.
Ông Đinh Minh Chất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa cho hay, chỉ tính thiệt hại về vật chất, thì riêng trạm truyền hình Tân Hóa đã thiệt hại đến 416 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Chất cũng khẳng định, huyện sẽ cấp lại số tiền trên để khôi phục trạm Tân Hóa trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, các trạm khác bị hư hỏng cùng hệ thống phát thanh xã cũng sẽ nhanh chóng được sửa chữa nhằm đưa thông tin đến với người dân một cách kịp thời nhất./.
Dũng Hùng Bách (Vietnam+)