Người Hồi giáo ở Indonesia bắt đầu lễ Ramadan

Hàng trăm triệu người theo đạo Hồi ở Indonesia, đã bước vào tháng lễ Ramadan, tháng quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo.
Ngày 11/8, hàng trăm triệu người theo đạo Hồi ở Indonesia, quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới, đã bước vào tháng lễ Ramadan, tháng quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo.

Tuy nhiên, do sự chênh lệch về múi giờ nên phải sang ngày 12/8, người Hồi giáo ở một số địa phương của Indonesia mới bắt đầu bước vào tháng lễ Ramadan.

Trong tháng lễ Ramadan, tất cả người Hồi giáo từ 10 tuổi trở lên nhịn ăn, nhịn uống vào ban ngày và kiêng một vài sinh hoạt khác.

Việc nhịn ăn và nhịn uống vào ban ngày có nhiều ý nghĩa, nhưng ý nghĩa đầu tiên là để giúp cảm thông với người nghèo khi mọi người cùng trải qua đói và khát, sau nữa là để tự kiềm chế và làm trong sạch cơ thể cũng như tâm hồn của mỗi người.

Mặc dù Ramadan là tháng lễ chung của tất cả người Hồi giáo, song các tập tục và nghi lễ ở mỗi địa phương khác nhau do sự khác biệt về nền tảng lịch sử và địa lý. Ở vùng Semarang, tỉnh Trung Java, người dân đón Ramadan trong tiếng "Dugderan" (âm thanh từ tiếng trống của các thánh đường Hồi giáo, nghe như sự kết hợp giữa tiếng trống và tiếng pháo).

Người Hồi giáo ở một số địa phương khác trong tỉnh Trung Java và tỉnh đặc khu Yogyakarta thì lại ngâm mình trong nước hoặc tắm tại các dòng suối "thiêng" để chào đón Ramadan.

Ở các tỉnh Aceh và Tây Sumatra, trên đảo Sumatra, người dân có tập tục "Meugang," mổ dê, cừu hoặc trâu, rồi đem phân phát cho người nghèo khi bước vào tháng Ramadan. Nghe nói tập tục này đã tồn tại ở Aceh từ khoảng năm 1.400.

Trong khi đó, ở thủ đô Jakarta, trong những ngày này, các "warung" (quán nhỏ) bán đồ ăn bên vỉa hè đều đóng cửa vào ban ngày, nên đường phố thông thoáng hơn so với những ngày bình thường.

Để chuẩn bị cho tháng Ramadan, các siêu thị đều chuẩn bị số lượng lớn các loại thực phẩm, đồ uống và lương thực. Vài ngày trước Ramadan, các gia đình đều tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho các bữa ăn vào buổi tối và rạng sáng.

Sau tháng Ramadan là đến lễ Idul Fitri, do đó các trung tâm thương mại đều thực hiện giảm giá các loại hàng hóa từ 20-70% để khuyến khích người dân mua sắm, trong khi từ nhiều năm nay, sự tăng trưởng của nền kinh tế của Indonesia chủ yếu dựa vào sức tiêu thụ của người dân trong nước.

Ngày 11/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chúc mừng tới các tín đồ Hồi giáo ở Mỹ và trên khắp thế giới nhân dịp tháng lễ Ramadan.

Tổng thống Obama nhấn mạnh những nghi lễ của tháng Ramadan "nhắc nhở chúng ta về những nguyên tắc chung và vai trò của đạo Hồi trong việc thúc đẩy công bằng, tiến bộ, khoan dung và phẩm giá của toàn nhân loại. Ở Mỹ, Ramadan nhắc nhở chúng ta rằng Hồi giáo luôn là một phần của nước Mỹ và tín đồ Hồi giáo ở Mỹ đã có những đóng góp to lớn cho đất nước."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục