Người mẹ gan dạ tay không đánh hổ bảo vệ con nhỏ tại Ấn Độ

Khi bị con hổ tấn công bất ngờ, người mẹ đã gan dạ bảo vệ đứa con tránh được nanh vuốt của hổ cho đến khi dân làng nghe thấy tiếng la hét và chạy tới hỗ trợ, xua hổ chạy vào rừng.
Người mẹ gan dạ tay không đánh hổ bảo vệ con nhỏ tại Ấn Độ ảnh 1Cô Archana Choudhary - người mẹ dũng cảm đã tay không đánh đuổi con hổ để bảo vệ con mình. (Ảnh: PTI)

Một người mẹ tại Ấn Độ đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận nước này với câu chuyện tay không đánh lại hổ dữ để cứu đứa con đang tuổi tập đi.

Vụ việc xảy ra tối 4/9 khi cô Archana Choudhary bế đứa con 15 tháng tuổi đi ngoài đường làng tại bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, thì đột nhiên một con hổ nhảy tới vồ lấy hai mẹ con.

Con hổ này được cho là đã trốn thoát khỏi khu bảo tồn hổ Bandhavgarh. 

Theo lời kể của người mẹ, con hổ đã tấn công và tìm cách ngoạm vào đầu đứa trẻ nhưng cô đã liên tục tránh được những cú vồ nguy hiểm của hổ dữ.

Nhờ sự gan dạ của người mẹ, hai mẹ con đã tránh được nanh vuốt của hổ cho đến khi dân làng nghe thấy tiếng la hét và chạy tới hỗ trợ, xua hổ chạy vào rừng.

Quan chức địa phương cho biết cả hai đã được đưa tới bệnh viện để điều trị các vết thương và tình trạng sức khỏe hiện đã ổn định.

Người mẹ bị thủng phổi và bị thương ở bụng trong khi đứa con có một số vết thương sâu trên đầu.

[Sinh vật ký sinh kỳ lạ chuyên hút sạch máu ở lưỡi của vật chủ]

Báo Times of India đưa tin chính quyền địa phương vẫn đang tìm kiếm để đưa con hổ quay lại khu bảo tồn, người dân được khuyến cáo ở trong nhà vào buổi đêm.

Tần suất xảy ra các vụ va chạm giữa người và động vật hoang dã ngày càng tăng tại đất nước Nam Á này, mà nguyên nhân được cho là do con người xâm chiếm, tàn phá nhiều khu rừng, ảnh hưởng đến môi sinh của nhiều loài động vật.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, khoảng 225 người đã thiệt mạng do bị hổ tấn công trong giai đoạn 2014-2019 và ngược lại, khoảng 200 con hổ cũng đã bị giết do con người săn bắn hoặc giật điện.

Ấn Độ là nơi cư trú khoảng 70% tổng số lượng hổ của thế giới, với khoảng 2.967 con được ghi nhận năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục