Người nuôi thủy sản phấn khởi với kết luận vụ Tiên Lãng

Đông đảo người dân, đặc biệt là người nuôi trồng thủy sản ven biển, đánh giá cao cách thức xử lý của Thủ tướng trong vụ Tiên Lãng.
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) đã được các tầng lớp nhân dân khắp cả nước phấn khởi đón nhận.

Đông đảo người dân, đặc biệt là những người nuôi trồng thủy sản ở các vùng bãi bồi, bãi triều ven biển, đánh giá cao cách thức xử lý của người đứng đầu Chính phủ, đồng thời mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa để yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty Tư vấn Thương mại và Đầu tư Tất Thắng, người từ năm 2003 đã nghe theo lời kêu gọi của quê hương về đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản rộng 16ha tại khu vực bãi bồi Đông Nam Điền (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bày tỏ: "Chúng tôi hoan nghênh việc Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan xử lý vụ việc. Tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng là phải xử nghiêm vụ này theo đúng quy định của pháp luật. Có thế mới giữ được kỷ cương, pháp luật."

Khẳng định hành động của ông Đoàn Văn Vươn dùng vũ khí chống lại người thi hành công vụ là "không thể chấp nhận được," ông Thắng cũng cho rằng về phía chính quyền cần nghiên cứu thật chắc các văn bản luật, tránh để xảy ra các sự việc đáng tiếc làm mất uy tín của mình.

Thay mặt những hộ đang nuôi trồng thủy sản tại các khu vực đầm bãi, ông Thắng kiến nghị và mong muốn được chính quyền địa phương giao đất ổn định, lâu dài để yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến lên làm ăn lớn.

Ông Trần Văn Túc, chủ trang trại nuôi cá song tại ô 4, khu vực bãi bồi Đông Nam Điền, nhận xét tinh thần và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng rất công minh, rất thẳng thắn. Thực tế, người nuôi cần được giao đất dài hạn để cải tạo đầm bãi, nuôi trồng thủy sản. Nếu thời gian giao đất quá ngắn thì không thể làm được.

Ông Túc cũng đề nghị thời hạn giao đất/đấu thầu cho thuê đất nên quy định thấp nhất là 10-15 năm và mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất bởi nay người nuôi phải đi vay mượn bên ngoài là chủ yếu.

Theo ông, chính quyền phải xuống thực tế tại các ao, đầm, xem xét từng trường hợp cụ thể, tránh tình trạng người làm được thì không được thuê đất, người không làm được lại được giao nhiều đất.

Cùng chung ý kiến này, bà Kim Thị Oanh, chủ cơ sở nuôi trồng và cung cấp giống thủy sản tại thị trấn Rạng Đông, nhận xét Thủ tướng kết luận như vậy là đúng. Ngoài ra, bà Oanh cũng mong muốn Thủ tướng quan tâm sát sao, giải quyết các khó khăn của người nuôi trồng thủy sản như vấn đề cho vay vốn phát triển sản xuất, kéo dài thời hạn giao đất, hỗ trợ bảo hiểm cây trồng vật nuôi lúc gặp thiên tai, dịch bệnh...

Ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết: "Tôi quan tâm theo dõi thông tin về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay từ những ngày đầu nên ngay sau khi có Kết luận của Thủ tướng, tôi rất vui mừng và thấy rằng đây là quyết định rất kịp thời, đúng hướng và hợp lòng dân."

Thanh Hóa hiện là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển khá cả về diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản, phấn đấu từ nay đến năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản sẽ đạt khoảng 19.000ha.

Để làm được điều này, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn chính quyền địa phương và người dân hiểu cũng như thực hiện nghiêm túc pháp luật về đất đai liên quan đến giao đất, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản…

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành Tài nguyên môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác giao đất, cho thuê đất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục giao đất cho thuê đất, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước vào đầu tư trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy.

Anh Nguyễn Văn An, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Thái - người đã có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi ngao ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ vụ việc ở nhà ông Đoàn Văn Vươn thu hút sự quan tâm của anh cũng như đông đảo bà con nuôi ngao trong xã, Thủ tướng đã có những quyết sách kịp thời, rất hợp lòng dân, lấy lại công bằng cho người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Anh An cho biết: "Hải Lộc là xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn trong tỉnh với đối tượng nuôi chính là con ngao Bến Tre. Nhưng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến đất nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Từ nhiều năm nay việc cho thuê đất các vùng bãi triều ven biển ở Hải Lộc nói riêng cũng như một số xã ven biển ở Hậu Lộc diễn ra rất 'nóng' và tương đối phức tạp."

Theo quy định của Ủy ban Nhân dân huyện, người dân chỉ được thuê đất nuôi trồng thủy sản trong vòng 5 năm dưới hình thức khoán thầu và mỗi hộ được thuê tối đa là 2ha. Điều này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như thời gian cho thuê đất 5 năm là quá ngắn, diện tích đất cho thuê là quá nhiều với những gia đình ít có điều kiện kinh tế và quá ít với những hộ muốn mở rộng diện tích, quy mô nuôi trồng...

Vì thế, có thời điểm tại địa bàn đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, thuê đi thuê lại diện tích, giá thuê lại đất cao gấp hàng chục lần so với mức giá ban đầu của chính quyền địa phương...

Theo anh An, đối với đất nuôi trồng thủy sản mà cụ thể ở xã Hải Lộc là nuôi ngao thì phải ít nhất 2 năm mới có thể thu hồi được vốn, do vậy thời gian cho thuê đất chỉ giới hạn trong 5 năm là quá ngắn.

Hiện nay đa số ý kiến, nguyện vọng của người dân trong xã đều muốn được nhà nước giao đất lâu dài hoặc với thời gian lâu hơn để người dân có thể vững tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề...

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bộc bạch kết luận của Thủ tướng không chỉ là cho Tiên Lãng mà còn là kim chỉ nam cho nhiều địa phương trong cả nước khi hành xử và giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống của nhân dân. Việc thực hiện pháp luật về đất đai liên quan đến giao đất, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Phụ, trước năm 2004, nhiều năm liền chính quyền xã thực hiện phương án giao 2ha đất đầm cho mỗi hộ gia đình để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 5 năm, nhưng sau đó, qua ý kiến góp ý của người dân và thực tế sản xuất, chính quyền xã đã mạnh dạn đề nghị với Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa giao đất lâu dài cho dân với thời hạn là 20 năm để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng của xã Hoằng Phụ đã lên tới 200ha, người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước cũng như các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Theo dõi rất kỹ diễn biến vụ thu hồi đất, cưỡng chế và hủy hoại tài sản công dân ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, anh Lưu Văn Nguyên, một chủ đầm nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3.800m2 ở xóm 5, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cho rằng kết luận của Thủ tướng Chính phủ là rất thỏa đáng, hợp lòng dân, mang tính pháp lý, tính đạo lý cao.

Để nông dân vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương, theo anh Nguyên, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi người thì sự quan tâm giúp đỡ của các cấp Hội, của chính quyền từ trung ương đến địa phương là vô cùng quan trọng.

Khi hết thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, trong trường hợp nếu họ tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất, đề nghị các bộ ngành và các cấp chính quyền hướng dẫn, cho phép chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần sớm tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó khích lệ tinh thần khai hoang mở rộng phát triển sản xuất, làm giàu cho gia đình và đóng góp của cải cho xã hội.

Anh Nguyên mong muốn trong thời gian tới, huyện Kim Sơn sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế biển, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch các tiểu vùng nuôi trồng thủy sản, từ hệ thống đường giao thông, hệ thống điện đến quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Bí thư Huyện ủy Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ông Lưu Danh Tuyên cho rằng vụ việc cưỡng chế đầm tôm gây xôn xao dư luận thời gian qua, tuy diễn ra trên địa bàn nhỏ ở khu cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng nhưng diễn biến và ảnh hưởng của nó lại tác động rất lớn đến đời sống xã hội.

Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với kết luận của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Tuyên, chỉ đạo của Thủ tướng là rất rõ ràng, thỏa đáng, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước, nhưng trên cơ sở kết luận đó, phải đi đến tận gốc của vấn đề theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Ở đây, phải xem xét đến trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra sự việc rất đáng tiếc này. "Nếu ai vi phạm hành chính thì phải bị xử lý hành chính, ai vi phạm pháp luật về hình sự thì phải đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật," ông Tuyên nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục