Người tiêu dùng thế giới chưa biết nhiều về thương hiệu nông sản Việt

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, nếu không có thương hiệu chung khẳng định về mặt chất lượng thì doanh nghiệp sẽ mất lợi thế trên thương trường với các nước khác.
Người tiêu dùng thế giới chưa biết nhiều về thương hiệu nông sản Việt ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nông sản, thực phẩm là những ngành hàng có tiềm năng to lớn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng này còn nhiều hạn chế dẫn tới việc xuất khẩu còn khó khăn, lợi nhuận thực tế còn thấp.

Do vậy, việc tạo ra một hướng đi bền vững, khẳng định vị thế của nông sản, thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng là nội dung chính của hội thảo: "Phương án xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam," do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức ngày 9/6, tại Hà Nội.

​Giảm giá trị vì thiếu thương hiệu

Theo ông Leon Trujilo, chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới, nhưng ​thực tế nhiều người tiêu dùng thế giới chưa nhận thức được điều này.

Chuyên gia này cho rằng, vẫn có một khoảng cách lớn giữa những gì Việt Nam có khả năng và những gì thế giới biết về Việt Nam. Do vậy, cần lấp đầy khoảng cách đó và hướng đi chiến lược là xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ cho toàn ngành.

"Thách thức lớn nhất trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp khi thực hiện dự án là phải làm thế nào để thúc đẩy xuất khẩu ngành thực phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế, bởi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết được Việt Nam là nước mạnh về thực phẩm và nông sản," ông Leon Trujilo nói.

Thời gian qua, nhiều địa phương, hiệp hội, ngành hàng cùng các doanh nghiệp đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng cho ngành hàng của mình. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, cả về nhân sự và tài chính, nên các thương hiệu ngành hàng nếu có ra đời thì vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đủ mạnh.

Đánh giá về việc này, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, nếu không có thương hiệu chung khẳng định về mặt chất lượng và tính đa dạng về đặc thù của sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ mất lợi thế trên thương trường với các nước khác.

Theo đại diện Hiệp hội này, việc xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Việt Nam nằm trong thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam sẽ là hướng đi đúng nhằm nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Người tiêu dùng thế giới chưa biết nhiều về thương hiệu nông sản Việt ảnh 2Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hôi thảo xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cần hướng đi chiến lược

Hiện Việt Nam đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê... nhưng để tạo ra một thương hiệu mạnh, có khả năng chi phối thị trường thế giới vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nói chung và thương hiệu ngành nông sản thực phẩm nói riêng đang giành được sự quan tâm lớn của Chính phủ.

Theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh thời gian tới, theo ông Khánh, các bộ ngành sẽ tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá để làm nổi bật thêm hình ảnh thương hiệu sản phẩm, hướng tới việc hỗ trợ phát triển xuất khẩu bền vững cho ngành thực phẩm Việt Nam.

​Để thúc đẩy ngành thực phẩm phát triển, ​mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công văn số 8981/VPCP-KTTH giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, hiệp hội ngành hàng có liên quan tập trung triển khai Chương trình xây dựng Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Mục đích của Chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu cho ngành thực phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục