Nguyên Đại sứ Israel: Đường lối ngoại giao cây tre vì lợi ích của dân

Nguyên Đại sứ Israel Amikam Levy cho rằng đường lối “ngoại giao cây tre” là một sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, trở thành một phong cách lãnh đạo và sự cam kết vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Nguyên Đại sứ Israel: Đường lối ngoại giao cây tre vì lợi ích của dân ảnh 1Các đại biểu chụp ảnh chung tại buổi lễ thành lập Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam. (Ảnh: Văn Ứng/TTXVN)

Đường lối “ngoại giao cây tre” là một chính sách rất tốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và phù hợp với người dân Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel- Việt Nam, nguyên Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001-2003) Amikam Levy cho rằng đây là một sáng kiến tuyệt vời, trở thành một phong cách lãnh đạo và sự cam kết.

Từng đi nhiều địa phương ở Việt Nam, bao gồm cả các vùng nông thôn, ông Levy hiểu biết rõ về cây tre. Ông bày tỏ ngưỡng mộ với cách kết hợp giữa “ngoại giao” và “cây tre.”

Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam, đây một sự kết hợp tài tình, bởi loài cây này luôn linh hoạt và mạnh mẽ, cũng như có tính cộng đồng cao. Tại Việt Nam, cây tre có ở khắp nơi.

Từ xa xưa, người Việt Nam đã dùng cây tre để chế tạo nhiều thứ, từ làm nhà, thuyền bè tới các vật dụng như rổ rá. Cây tre rất mềm dẻo, nhưng cũng mạnh mẽ, dẻo dai và đáng tin cậy.

[Trường phái ''ngoại giao cây tre'' Việt Nam phù hợp với mọi thời đại]

Để thực thi chính sách ''ngoại giao cây tre,'' ông Levy lưu ý điều này không dễ dàng, có thể gặp nhiều trở ngại và cần một tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, ông tin rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua được những trở ngại đó.

Ông Levy bày tỏ rất ấn tượng về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những thành tựu kinh tế-xã hội thời gian qua của Việt Nam, đồng thời đánh giá Việt Nam đã chọn đúng hướng, có một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ, có khát vọng và cam kết rõ ràng.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn và sự cống hiến vì nhân dân, vì lợi ích của người dân; làm cho đất nước trở nên hùng mạnh hơn, cũng như làm cho đời sống nhân dân được hạnh phúc và sung túc hơn.

Theo ông, Israel có nhiều thứ để học hỏi từ Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều thứ để đóng góp cho Việt Nam thông qua vốn kinh nghiệm của họ.

Về quan hệ giữa Việt Nam và Israel, ông Levy nhắc lại cuộc gặp giữa Hồ Chủ tịch và cố Thủ tướng Israel Ben-Gurion vào khoảng năm 1946-1947, tại Paris (Pháp), trước khi Israel tuyên bố độc lập vào tháng 5/1948. Khi đó, hai nhà lãnh đạo đã ngồi cùng nhau, bắt tay nhau, cùng lo lắng cho người dân, cùng trăn trở với lời thề nguyện mang lại độc lập tự do cho dân tộc.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel -Việt Nam cho rằng một trong những nhân tố kéo hai nước lại gần nhau là sự tương đồng về lịch sử khi nỗ lực để giành độc lập. Về mặt văn hóa, người Việt Nam và người Do Thái hoàn toàn khác nhau. Nhưng hai nước thực sự có chung các giá trị cơ bản, giá trị về gia đình, về tình bạn, về ý chí mạnh mẽ để hiểu biết lẫn nhau, cùng cam kết mang lại an ninh và thịnh vượng cho người dân.

Nguyên Đại sứ Israel đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Israel đang phát triển tốt đẹp. Để người dân hai nước Việt Nam và Israel hiểu biết hơn về nhau, ông Levy đề xuất hai nước cần có thêm nhiều sự kiện, các đợt tuyên truyền và các cuộc nói chuyện, nhất là về văn hóa.

Hai bên cũng cần cùng nhau học hỏi và không bao giờ dừng bước để tìm ra các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ này.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2023, nhiều kế hoạch ấn tượng và có ý nghĩa sẽ diễn ra nhân dịp kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục