Giữ trần lãi suất

NH cam kết giữ trần lãi suất dù vốn giảm mạnh

Mặc dù nguồn vốn huy động từ khu vực dân cư bị sụt giảm nhưng các ngân hàng đều cam kết sẽ không huy động vượt trần lãi suất.
Ngày 12/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp với các Tổ chức hội viên tại phía Bắc để thống nhất hành động, tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9 của Ngân hàng Nhà nước.

Sụt giảm vốn huy động


Tại cuộc họp, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau gần một tháng triển khai thực hiện trần lãi suất huy động 14% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thị trường đã lập lại trật tự. Điều đó được thể hiện ở việc các ngân hàng thương mại đã nghiêm túc chấp hành, mặt bằng lãi suất huy động đã về đúng 14%, lãi suất cho vay đã ở mức 17-19%; trong hệ thống ngân hàng không còn hiện tượng mặc cả kỳ kèo lãi suất, lách luật để đẩy lãi suất lên tranh giành vốn của nhau. Kỷ cương thị trường được lập lại, đạo đức và văn minh ngân hàng dần dần đã lấy lại được hình ảnh phải có của hoạt động ngân hàng.

Tại cuộc họp, một số ngân hàng thương mại cổ phần đều phản ánh vốn huy động bị sụt giảm, điều này không chỉ ở những ngân hàng nhỏ mà một số ngân hàng được cho là lớn cũng kêu.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, VPBank đã nghiêm túc thực hiện cam kết với Ngân hàng Nhà nước từ 7/9, tuy nhiên, chính việc thực hiện nghiêm túc này đã khiến VPBank bị thiệt hại do vốn huy động từ dân cư sụt giảm nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), từ khi có tín hiệu quản chặt lãi suất giảm thì không có vấn đề về thanh khoản. Tuy nhiên Ocean Bank đã sụt khoảng 20% vốn huy động từ dân cư so với trước khi áp dụng trần lãi suất, trong tháng qua chỉ lác đác có một vài ngày vốn huy động không giảm.

“Từ tháng Tám [thời điểm trước khi có sự đồng thuận của các ngân hàng-pv] Ocean Bank đã không thỏa thuận với khách hàng nữa. Ocean Bank cũng cho nhân viên theo dõi khách rút tiền đi đâu và thuyết phục khách hàng ruột gửi lại ngân hàng mình. Qua theo dõi, chúng tôi thấy cũng có khách quay lại gửi tiền nhưng số tiền đó đã bị sụt giảm. Ví dụ, có khách hàng trước đây gửi ở Ocean Bank 6 tỷ đồng kỳ hạn 1-2 tháng, sau đó rút ra vài ngày đến gửi lại chỉ còn có 4 tỷ đồng,” bà Hương cho biết.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác như VPBank, PG Bank, VIB... cũng kêu vốn huy động từ dân cư tại ngân hàng bị sụt giảm.

Ngược lại, một số ngân hàng cho rằng, sự sụt giảm này là sự điều chỉnh cần thiết để các luồng vốn của ngân hàng được về đúng quy luật của nó, rõ ràng, minh bạch.

Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc đội (MB) than thở: “Ngân hàng nhỏ vẫn kêu tiền được chuyển sang ngân hàng lớn nhưng tổng vốn huy động của MB vẫn bị sụt giảm.”

Tuy nhiên, bà Bình cho rằng, không nên nghĩ tiền sang ngân hàng khác là đều có uẩn khúc về lãi suất, chúng ta không đủ thông tin mà vẫn phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước là không lành mạnh. Các ngân hàng phải có trách nhiệm khi đưa thông tin, giám sát chéo lẫn nhau để thực hiện tốt chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Còn bà Lê Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Agribank lại cho rằng, hiện vốn huy động trong hệ thống Agribank có chi nhánh tăng, có chi nhánh lại giảm. Qua đó, chúng ta thấy rằng, chi nhánh nào có chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ tốt thì thu hút được thêm khách hàng, còn chi nhánh phục vụ không tốt thì giảm.

Quyết tâm thực hiện lãi suất trần 14%

Tại cuộc họp, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, hiện tượng sụt giảm vốn huy động từ dân cư trong các ngân hàng, chứng tỏ đâu đó vẫn còn hiện tượng thỏa thuận ngầm lãi suất, nhưng lãnh đạo các ngân hàng này đều không đưa ra được chứng cớ để báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước ngoài những ngân hàng vi phạm đã được Ngân hàng trung ương công khai.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cũng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên các ngân hàng có đồng thuận về trần lãi suất. Trước đó, đã có một đồng thuận về mức 14% song một số đơn vị vẫn cố tình phá luật, khiến cho thị trường bất ổn. Nguyên nhân phần lớn từ phía đơn vị cố tình vi phạm, nhưng cũng một phần do cơ quan quản lý lỏng.

“Lần này là lần để thể hiện quyết tâm. Ngân hàng Nhà nước đã ra quy định thì các đơn vị cứ thế mà làm. Lãnh đạo các ngân hàng cần ngồi với nhau, thống nhất quan điểm, dưới không thể làm sai nếu như bản thân lãnh đạo kiên quyết thực hiện”, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Maritime Bank đưa ý kiến, ngoài nghiêm túc áp dụng trần lãi suất đúng như quy định, các ngân hàng phải có sự giám sát chéo lẫn nhau. Việc này nhằm tránh tình trạng chỗ thực hiện, chỗ không thực hiện khiến cho hệ thống thiếu minh bạch.

“Chúng tôi đã thành lập nhóm giám sát chính nội bộ ngân hàng và các ngân hàng khác và chắc chắn chúng tôi cũng đang bị các ngân hàng bạn giám sát,” ông Tuấn cho biết.

Ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phân loại các nhóm ngân hàng, nhóm nào yếu thì sẽ hỗ trợ. Quan điểm của Thống đốc là hỗ trợ tối đa với điều kiện tăng cường giám sát hơn với những ngân hàng đó. Tuy nhiên, bản thân ngân hàng nhỏ lại không muốn bị giám sát nên có suy nghĩ phá rào.

Ông Trung nhấn mạnh, ngân hàng nào không thực hiện nghiêm túc Thông tư 30 thì Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp cơ quan pháp luật, lực lượng an inh vào cuôc điều tra, lúc đó cá nhân của các ngân hàng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hiệp hội ngân hàng cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm trần lãi suất quy định đối với từng chi nhánh đồng thời giáo dục ý thức chấp hành đến từng nhân viên, kỷ luật nghiêm túc những cán bộ vi phạm. Khoán chỉ tiêu tại mỗi đơn vị cũng cần được xem xét, tránh tình trạng cán bộ chạy theo chỉ tiêu mà phải tìm cách lách luật cho đủ chỉ tiêu, bà Hương khuyến cáo. Hành vi tự giám sát và giám sát chéo lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng được ủng hộ.

“Đến giờ phút này, không có lý do gì để tồn tại những hành vi không lành mạnh. Nếu bị phát hiện vi phạm hôm 8/9 sau khi có Chỉ thị 02 có thể chấp nhận được, tuy nhiên, sau một tháng mà vẫn còn lách, thì là không thể chấp nhận”, bà Hương nói.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo 23/31 tổ chức hội viên là các ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Sau khi trao đổi, thảo luận về tình hình thị trường hiện nay, các đại biểu đã cùng thống nhất đồng lòng tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư 30 nêu trên của Ngân hàng Nhà nước bằng việc cùng ký tên thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết, từ đó duy trì trật tự trên thị trường tiền tệ hiện nay, giúp các ngân hàng thương mại hoạt động ổn định./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục