Nhà thám hiểm hang động Mỹ mắc kẹt ở độ sâu hơn 1.000m dưới lòng đất

Đoạn video ghi lại chiến dịch cứu hộ cho thấy ông Dickey nằm trong hang và đang được một nhóm y tế chăm sóc sức khỏe trong khi nhóm khác dùng dây thừng để di chuyển xuống hang.
Nhà thám hiểm hang động Mỹ mắc kẹt ở độ sâu hơn 1.000m dưới lòng đất ảnh 1Nhà thám hiểm hang động người Mỹ Mark Dickey. (Nguồn: AP)

Thông tin mới nhất về vụ Nhà thám hiểm hang động người Mỹ Mark Dickey mắc kẹt ở độ sâu hơn 1.000m dưới lòng đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 9/9, Thị trưởng thành phố Mersin, ông Ali Hamza Pehlivan cho biết một nhóm cứu hộ đã sẵn sàng đưa Nhà thám hiểm Dickey ra ngoài hang và công tác cứu hộ sẽ hoàn tất sau một vài ngày tới.

Nhà thám hiểm Dickey 40 tuổi đang thực hiện sứ mệnh thám hiểm quốc tế tại Hang Morca thuộc vùng núi Taurus ở Mersin. Tuy nhiên, khi xuống tới độ sâu 1.040m, ông bị sốt huyết tiêu hóa. Hơn 150 nhân viên cứu hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đang nỗ lực để đưa ông rời khỏi hang động sâu thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước báo giới, Thị trưởng Pehlivan nhấn mạnh: "Tùy thuộc vào diễn biến giữa các điểm giải cứu, hy vọng công tác cứu hộ sẽ hoàn tất trong vòng vài ngày."

Ông Carl Heitmeyer thuộc Nhóm Cứu hộ của bang New Jersey (Mỹ) cho biết điều kiện sức khỏe của nhà thám hiểu Dickey "ổn định nhưng khá yếu. Hang động sâu, lầy lội cùng những điều kiện khó khăn khiến các lực lượng phải triển khai rất nhiều trang thiết bị cứu hộ."

[Nhà thám hiểm đầu tiên độc hành xuyên Nam Cực không cần trợ giúp]

Đoạn video ghi lại chiến dịch cứu hộ cho thấy ông Dickey nằm trong hang và đang được một nhóm y tế chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, nhiều nhóm khác dùng dây thừng để di chuyển xuống hang và tạo các lối đi qua những khe hẹp.

Chia sẻ với hãng tin Reuters, Nhiếp ảnh gia Agnes Berentes, người song hành cùng Nhà thám hiểm Dickey trong sứ mệnh trên, cho biết Morca là một hang động có phương thẳng đứng, chứa rất nhiều nước và có rất nhiều lối đi hẹp. Việc di chuyển phải sử dụng kỹ thuật leo dây dọc. Đây sẽ là phần khó khăn nhất trong quá trình cứu hộ.

Trước đó, ngày 8/9, ông Recep Salci, người đứng đầu Lực lượng Tìm kiếm, Cứu nạn thuộc Cơ quan Ứng phó Thảm họa AFAD của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hoạt động cứu hộ được chia thành 7 phần. Do tính chất phức tạp của chiến dịch này, mỗi nhóm của một quốc gia sẽ phụ trách một phần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục