Đau đầu về ngân sách

Nhà Trắng lại đau đầu về vấn đề dự luật ngân sách

Vấn đề ngân sách đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai đảng lớn nhất nước Mỹ và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế lớn nhất này.
Ngày 20/9, với 230 phiếu thuận và 189 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật về ngân sách tạm thời tổng trị giá 986 tỷ USD để tài trợ cho hoạt động của các cơ quan liên bang trong thời gian từ ngày 1/10 đến 15/12/2013.

Tuy nhiên, đáng chú ý, dự luật này không bao gồm các khoản chi dành cho Ðạo luật cải tổ y tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama mà phe Cộng hòa thường gọi là ObamaCare.

Động thái này của phe Cộng hòa đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng giữa hai đảng lớn nhất nước Mỹ. Nếu ngân sách tạm thời này hoặc ngân sách cho tài khóa 2014 không được thông qua trước ngày 30/9, nhiều công sở liên bang có nguy cơ phải đóng cửa.

Có thể nói, cùng với vấn đề trần nợ công, vấn đề ngân sách đang đe dọa sự ổn định của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Cuộc chiến phe phái

Phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu, nhân vật thuộc Đảng Cộng hòa John Boehner, Chủ tịch Hạ viện, mô tả đây là một thắng lợi cho người dân Mỹ, như ông nói là những người không muốn các cơ quan của chính phủ liên bang đóng cửa nhưng cũng không muốn có chương trình ObamaCare.

Ông Boehner cũng hối thúc các đồng nghiệp tại Thượng viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát thông qua dự luật này.

Tuy nhiên, Nhà Trắng và phe Dân chủ đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ. Tổng thống Obama một lần nữa cảnh báo ông sẽ dùng quyền phủ quyết đối với dự luật ngân sách ngắn hạn này.

Ông Steny Hoyer, Hạ nghị sỹ có vai vế thứ hai của đảng Dân chủ tại Hạ viện, chỉ trích thái độ "thù địch" của phe Cộng hòa đối với chương trình cải cách y tế của chính quyền Obama.

Còn bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, cho rằng với việc thông qua ngân sách ngắn hạn trên, phe Cộng hòa đang "diễn trò" nhằm buộc chính phủ liên bang phải đóng cửa từ ngày 1/10 tới.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Harry Reid, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện, tuyên bố mọi kế hoạch ngân sách không cấp tiền cho chương trình ObamaCare sẽ không thể được thông qua tại cơ quan lập pháp này.

Khúc mắc ở ObamaCare

Trên thực tế, nút thắt lớn nhất trong cuộc chiến về ngân sách ở Mỹ chính là Đạo luật cải cách y tế của chính quyền Obama.

Đạo luật này quy định tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014. Nếu không, họ sẽ bị phạt về kinh tế.

Hiện tại, nước Mỹ có khoảng 50 triệu người, chiếm 16% số dân, không có bảo hiểm y tế. Luật cải cách y tế của ông Obama hy vọng sẽ giúp khoảng 32 triệu người trong số này được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm.

Một khi đạo luật này hoàn toàn có hiệu lực vào tháng 1/2014, các hãng bảo hiểm sẽ không được quyền từ chối bán bảo hiểm cho cả người lớn lẫn trẻ em vì lý do họ đã mắc bệnh trước đó, và các công ty có trên 50 lao động phải trả phí cho chính quyền liên bang là 2.000 USD/nhân viên làm việc đủ thời gian.

Ðể có tiền cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người, chính quyền Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với thiểu số những người giàu có thu nhập từ hơn 1 triệu USD/năm.

Với những mục đích như vậy, ObamaCare nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng Mỹ.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng CNBC cho thấy có tới 44% số ý kiến được hỏi ủng hộ việc cấp ngân sách cho chương trình cải tổ y tế này trong khi số người phản đối chỉ chiếm 38%.

Khi gắn vấn đề thông qua ngân sách cho ObamaCare với việc các cơ quan liên bang có thể phải đóng cửa và khả năng nước Mỹ bị vỡ nợ, tỷ lệ ủng hộ việc tài trợ cho ObamaCare thậm chí đã tăng lên 59%, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ là 19%, còn lại là số người vẫn còn do dự.

Mặc dù vậy, tầng lớp những người giàu có và các nghị sỹ Cộng hòa đã phản đối đạo luật này với lý do nó sẽ làm tăng khoảng 500 tỷ USD tiền thuế đối với người Mỹ.

Một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa cho biết họ bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch ngân sách tạm thời nhằm ngăn cản ObamaCare vì chương trình cải cách y tế này của chính quyền Obama, dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2014, là "một thảm họa đối với người lao động Mỹ."

Với cuộc bỏ phiếu hôm 20/9, đây đã lần thứ 42 phe Cộng hòa bỏ phiếu chống lại Đạo luật cải cách y tế của chính quyền Obama.

Điều gì sẽ xảy ra?

Nếu Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát phủ quyết dự luật về ngân sách tạm thời trên, Chủ tịch Hạ viện John Boehner có thể sẽ buộc phải cân nhắc khả năng xây dựng một dự luật ngân sách tạm thời “sạch” (không có các khoản kèm theo).

Và nếu ông Boehner và thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor không tìm đủ số phiếu ủng hộ cần thiết trong số các nghị sỹ của đảng này để thông qua dự luật ngân sách tạm thời “sạch” này, họ có thể tìm thêm sự ủng hộ từ các nghị sỹ của đảng Dân chủ để thông qua một biện pháp, trong đó không có điều khoản “không tài trợ cho ObamaCare.”

Tổng thống Obama và các phát ngôn viên của ông này đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần rằng ông sẽ không chấp nhận bất cứ dự luật nào có thể trì hoãn hoặc không tài trợ cho ObamaCare.

Trong trường hợp Quốc hội Mỹ không thể thông qua bất cứ kế hoạch ngân sách nào trước ngày 1/10, một bộ phận công sở của Chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa lần đầu tiên kể từ năm 1996 do không có tiền để hoạt động.

Lần gần đây nhất sự cố này xảy ra là vào cuối năm 1995 và đầu năm 1996, khi Tổng thống Bill Clinton và các nhà lãnh đạo Quốc hội không đạt được đồng thuận về các điều khoản trong dự luật ngân sách. Khi đó, một một bộ phận công sở của chính phủ liên bang đã phải đóng cửa trong 21 ngày.

Lường trước khả năng một sự cố tương tự có thể sẽ lặp lại trong thời gian từ nay đến cuối năm 2013, ngày 17/9, Giám đốc Phòng Quản trị và Ngân sách của Nhà Trắng Sylvia Burwell đã gửi thông báo cho các bộ ngành liên bang chuẩn bị sẵn các kế hoạch cho khả năng phải đóng cửa một bộ phận công sở chính phủ từ ngày 1/10 tới nếu Quốc hội không thông qua kế hoạch ngân sách 2014.

Mặc dù vậy, theo CNBC, ngay cả trong tình huống xấu nhất – một bộ phận công sở liên bang phải ngừng hoạt động, luật vẫn cho phép các dịch vụ công cộng cần thiết liên quan tới sự an toàn của cuộc sống con người và bảo vệ tài sản vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.

Theo Ban Nghiên cứu Quốc hội, trong quá khứ, các nhân viên của các cơ quan an ninh quốc gia và ngoại giao như Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Ngoại giao không bị buộc phải nghỉ phép.

Một số ngoại lệ khác gồm các chương trình và nhân viên liên quan tới cấp cứu, kiểm soát không lưu, biên phòng và kiểm soát bờ biển, quản giáo và nhân viên trợ giúp thảm họa khẩn cấp.

Ban Nghiên cứu Quốc hội của Mỹ cũng cho biết sự cố này đã từng gây ra những ảnh hưởng như các Viện Y tế Quốc gia (NIH) không tiếp nhận thêm các bệnh nhân mới, các cuộc gọi tới NIH về bệnh tật không được trả lời; các Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ngừng hoạt động theo dõi các bệnh dịch; việc tuyển dụng các nhân viên thực thi pháp luật liên bang bị tạm ngưng; các công viên quốc gia, viện bảo tàng và đài tưởng niệm bị đóng cửa.

Đáng chú ý, phần lớn các đơn xin cấp hộ chiếu Mỹ đều không được xử lý./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục