Tỏa sáng lễ hội áo dài

Nhan sắc Hà Nội xưa-nay tỏa sáng với lễ hội áo dài

Trên không gian nghệ thuật tái hiện cuộc sống Hà Nội xưa, 100 người mẫu áo dài đủ mọi lứa tuổi từ đền Ngọc Sơn đi qua cầu Thê Húc...

Đêm đầu tiên của dịp Đại lễ (20h ngày 1/10/2010), tại cụm danh thắng Tháp Bút – Ngọc Sơn sẽ diễn ra “Lễ hội Áo dài ba miền” với 600 tà áo dài. Và trong chương trình “Thăng Long – Hà Nội thành phố rồng bay” kết thúc 10 ngày Đại lễ những tà áo dài sẽ lại xuất hiện.

Cả hai phần đóng góp lớn cho chương trình trình diễn áo dài đều là của một thương hiệu áo dài nổi tiếng ở Thủ đô  Hà Nội. Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư (Giám đốc điều hành của Công ty thời trang Ngân An).

- Chị có thể giới thiệu đôi nét về chương trình và các chủ đề biểu diễn áo dài trong "Đêm huyền ảo Hồ Gươm?"

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Đây là một hoạt động nghệ thuật được lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xác định là điểm nhấn của Đại lễ chào mừng Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. 

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ nhiều tháng nay, Công ty thời trang Ngân An đã sáng tạo và thi công 600 bộ áo dài dựa trên sự kế thừa những tinh hoa văn hóa truyền thống.

Những thiết kế này tập trung vào hai chủ đề chính: Áo dài của một Hà Nội đậm chất Tràng An xưa và Áo dài mang đặc trưng ba miền văn hóa.

- Chị có thể  tiết lộ về những gương mặt tham gia vào chương trình đặc sắc để tạo dấu ấn ngàn năm này, họ sẽ là những ai?


Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư:
Chúng tôi đã chọn những gương mặt xuất sắc để gửi gắm ý tưởng trình diễn của mình, trong đó phải nhắc tới những nhan sắc nổi tiếng như Hoa hậu Ngô Phương Lan, Á hậu Ngọc Oanh, Hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh, Á Hậu Đặng Thùy Trang… cùng hàng loạt những tên tuổi khác trong làng thời trang Việt Nam. Tổng đạo diễn của chương trình áo dài là NSND Lê Khanh.

Tôi cho rằng điểm mới của cuộc trình diễn lần này là khán giả sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của tà áo dài trên vóc dáng của người phụ nữ Việt ở mọi lứa tuổi. Vì thế chúng tôi mời cả một số đại diện của thế hệ các bác, các cô, các chị như Nghệ sĩ Lê Mai, NSƯT Thu Hà, chị Ngô Hương trong trang phục áo dài truyền thống.

- Họ sẽ ra sàn diễn  như thế nào, ai cũng biết áo dài Việt Nam là đẹp nhưng khi mang tính truyền thống thì dễ quen mắt, vậy chị đã cùng các cộng sự sẽ tạo ra không gian, hoàn cảnh văn hóa và đời sống nào cho áo dài tỏa sáng?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Tôi nghĩ là sẽ thú vị vì trong 45 phút của chương trình, 100 người mẫu liên tục xuất hiện và trình diễn trên một sàn catwalk bài trí nghệ thuật với những chiếc chiếu hoa và nón lá, bắt đầu từ phía trong đền Ngọc Sơn, qua cầu Thê Húc, vòng qua hai bên mặt trái và mặt phải của Tháp Bút.

Không gian nghệ thuật sẽ tái hiện  phần nào những hoạt cảnh sinh động làm sống lại một Hà Nội xa xưa với hình ảnh ông đồ viết câu đối, trẻ con hát đồng dao chạy nhảy, các bà các mẹ đi lễ chùa… Phần trình diễn áo dài sẽ thêm tuyệt diệu vì có xen bắn pháo bông nghệ thuật và lễ hội ánh sáng 15 phút liền đó. 

- Chị có thể cho biết tâm tư của những người mẫu tham gia chương trình lần này?


Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: Đó là niềm vui chung của tất cả chúng tôi. Tham gia một chương trình lớn làm việc tập luyện nghiêm túc nhất nhưng không ai vì tiền thù lao. Vài trăm nghìn chỉ mang giá trị tượng trưng nên hầu hết mọi người không quan tâm.

Nhưng những tên tuổi, những nhan sắc nổi tiếng của Hà Nội đã vào cuộc. Ai cũng vui và xúc động vì được tham gia màn trình diễn bên hồ Gươm lần này. Tất cả đều lao động nghệ thuật nhưng với một tinh thần cống hiến trong hạnh phúc mà không phải chương trình nào cũng có được.

NSƯT Thu Hà nói: “Đây không phải là một show diễn mà là một cuộc góp sức mình vào lễ hội ngàn năm của Hà Nội.”

Nghệ sĩ Lê Mai thì bảo: “Ở tuổi tôi ngỡ không hợp với trình diễn thời trang nhưng mặc áo dài đi cùng các em các cháu tôi thấy mình như trẻ lại. Tôi được mời vào chương trình không phải vì con gái tôi [Lê Khanh-PV] làm tổng đạo diễn mà vì từ trẻ đến giờ tôi chỉ mặc áo dài của Ngân An.”

Ngoài ra, không chỉ những người mẫu là nghệ sĩ, chúng tôi còn mời các bà, các chị, các em làm nhiều nghề khác nhau cùng tham gia biểu diễn.

- Được biết, công ty của chị cũng được mời tham gia trình diễn áo dài đêm 10/10, đêm kết thúc Đại lễ?

 
Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư:  Vâng. Bên cạnh “Lễ hội áo dài ba miền,”  Công ty Thời trang Ngân An còn cống hiến một màn trình diễn sinh động trong đêm hội mang tên “Thăng Long – Hà Nội thành phố rồng bay.”

Chương trình diễn ra vào tối 10/10 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Đây là bữa tiệc nghệ thuật được dàn dựng quy mô khép lại toàn bộ Đại lễ. Những tà áo dài của Ngân An sẽ lại xuất hiện tại Chương thứ 22 mang tên “Hà Nội mùa thu.”

- Chị là người kế nghiệp của thương hiệu áo dài Ngân An, nếu có ai hỏi chị rằng chị có sợ không vượt được qua “cái bóng” của mẹ mình (bà Ngân An) thì chị sẽ trả lời thế nào?

Nhà thiết kế Nguyễn Anh Thư: (Cười) Tôi cũng không hiểu sao lại cứ có một số người hỏi như vậy. Tại sao tôi phải vượt qua mẹ tôi. Tôi là người tiếp nối kia mà. Bây giờ mỗi việc tôi làm vẫn có những tư vấn không thể thiếu về chuyên môn của mẹ, về quản lý từ ba tôi.

Nếu chỉ vì bản thân mình, ví dụ như có danh “áo dài Anh Thư” chẳng hạn, thì xin nói thật rằng lúc mệt mỏi tôi đã “từ bỏ" để làm việc khác, có thể nhiều lợi nhuận hơn.

Song đó lại là sự tiếp nối sự nghiệp một đời của mẹ trong thương hiệu “Áo dài Ngân An” nên tôi phải cố gắng với một hứng thú và đam mê gấp đôi. Dù khó khăn đến đâu tôi cũng gắng chèo chống vì muốn được nhìn thấy mẹ vui.

- Trân trọng cảm ơn chị!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục