Các nhân viên kiểm soát không lưu của Pháp ngày 25/6 đã kết thúc cuộc đình công hai ngày, sớm hơn kế hoạch ban đầu dự định kéo dài đến ngày 29/6, sau các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo công đoàn với chính phủ đạt được kết quả.
Tổ chức công đoàn Unsa- ICNA cho biết cuộc đình công chấm dứt sau khi chính phủ có một số nhượng bộ và phải thừa nhận sự cần thiết tăng cường đầu tư cho ngành hàng không.
Trước đó, khoảng 600 hành khách bị mắc kẹt ở sân bay Orly, phía Nam thủ đô Paris nước Pháp và gần 200 hành khách, chủ yếu đi du lịch từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha của hãng hàng không giá rẻ Vueling đã phải ngủ qua đêm 24/6 tại đây.
Cơ quan hàng không dân sự Pháp cho biết khoảng 1/5 chuyến bay đến và từ một số thành phố ở miền Nam nước Pháp; hoặc cất cánh từ Paris đến miền Nam hoặc những nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Maroc, Tuynisia và Algeria đã bị hủy bỏ trong ngày 25/6, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách.
Cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu nhằm phản đối tình trạng không có đủ nguồn tài chính để hiện đại hóa dịch vụ quan trọng này. Khu vực không lưu đòi tăng 10% lệ phí sân bay, nhưng các công ty đưa ra mức thấp hơn. SNCTA, nghiệp đoàn không lưu lớn nhất nước Pháp, cho rằng các thiết bị điều khiển hàng không ở nước này đã quá cũ, cần được thay thế.
Cuộc đình công trên diễn ra sau cuộc đình công kéo dài 10 ngày của công nhân ngành đường sắt tại Pháp, làm ảnh hưởng tới nhiều dịch vụ trong và ngoài nước, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch tại nước này.
Cùng ngày, cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu Bỉ đã khiến nước này phải đóng cửa không phận trong vòng hai giờ từ 18 giờ 45 - 20 giờ 45 (giờ GMT), dẫn tới hủy bỏ hoặc hoãn gần 120 chuyến bay.
Cuộc đình công được tiến hành nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm ngân sách đề phù hợp với cuộc cải cách hệ thống kiểm soát không lưu của toàn châu Âu. Hiệp hội các Hãng hàng không châu Âu (AEA) đã lên án mạnh mẽ cuộc đình công này khi mà châu Âu đang trong mùa cao điểm đi lại./.