Nhập cuộc thương mại xuyên biên giới cùng sản phẩm lợi thế

Đi liền với việc mở rộng thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy sản...
Nhập cuộc thương mại xuyên biên giới cùng sản phẩm lợi thế ảnh 1Sơ chế, đóng gói sản phẩm nho xanh để chuẩn bị đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Sau 2 năm với 4 lần dịch COVID-19 bùng phát, thương mại điện tử xuyên biên giới được ví như giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tránh đứt gãy nguồn cung trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trên thực tế, xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp nên nâng chất cho sản phẩm và tập trung vào các mặt hàng lợi thế của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu.

Kênh xuất khẩu khả quan

Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho hay đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trong khu vực.

Doanh thu thương mại điện tử kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, do đó, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là với hàng Việt.

Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu theo phương thức truyền thống còn đang gặp khó khăn thì ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp.

Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Amazone, Alibaba để thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nhận thức về thương mại điện tử, phương thức đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, logistics thương mại điện tử.

Theo ông Bùi Huy Hoàng, để có thể vận hành luồng hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử trong nước như Vỏ Sò và đã xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang trong niên vụ 2021sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

Mặc dù đây là hoạt động thí điểm nhưng tiềm năng của phương thức này rất tốt và sắp tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng nền tảng của Việt Nam do Việt Nam xây dựng.

Là một trong những hợp tác xã nhanh nhạy trong việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử như Shopee, Voso, Lazada… mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, tỉnh Kon Tum đã đưa sản phẩm chế biến từ càphê, trái cây lên sàn Alibaba.com để tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ điều kiện thuận lợi khi đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com bởi đây là trang thương mại điện tử có dịch sang tiếng Việt nên hợp tác xã dễ nắm bắt thông tin, không phải tốn thêm chi phí thuê người dịch.

[Thương mại điện tử 'đón sóng' thị trường trong dịp cuối năm]

Hơn nữa, thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hợp tác xã dễ dàng tìm được đầu ra cho sản phẩm tới các thị trường tiềm năng, nhất là trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu trực tiếp đang khó khăn.

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Tuấn Lương - Phó Giám đốc Hợp tác xã Kiên Thuận, tỉnh Yên Bái, cho hay thời điểm trước, 70% doanh thu của hợp tác xã là bán ở trong nước, phần còn lại mới đến từ xuất khẩu. Thế nhưng sau khi gia nhập Alibaba.com, sàn thương mại điện tử này đã giúp doanh thu xuất khẩu của hợp tác xã tăng lên đến 80% và đã có lượng khách hàng tương đối ổn định.

“Dự kiến trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử này để gia tăng lượng hàng xuất khẩu cũng như giúp các thành viên nâng cao thu nhập," ông Đỗ Tuấn Lương khẳng định.

Nắm bắt cơ hội

Chuyên gia nhận định đến nay, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp mà cũng mở ra cánh cửa cho các hợp tác xã tìm đến với sàn thương mại trực tuyến.

Đi liền với việc mở rộng thị trường nhanh chóng, thương mại điện tử xuyên biên giới đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy hải sản, may mặc và dệt may, nông sản…

Theo Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), hiện tại có đến gần 50% doanh nghiệp sẵn sàng mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia.

Thế nhưng chỉ có 22% doanh nghiệp thực sự bán hàng và 8% doanh nghiệp thực sự đầu tư bán hàng tại đây; số còn lại chỉ tham gia mở gian hàng. Vì vậy, nếu biết cách nắm bắt, bán hàng qua các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia chính là cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Và thị trường bán hàng thông qua các trang thương mại xuyên biên giới vẫn còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp cũng như hợp tác xã.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản, thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu... Đây chính là những vấn đề mà các doanh nghiệp, hợp tác xã cần phải tìm hiểu, nắm bắt, thực hành thành thạo.

Nhập cuộc thương mại xuyên biên giới cùng sản phẩm lợi thế ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: businessinsider.com)

Để tận dụng lợi thế về bán hàng trên các trang thương mại điện tử, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng trước mắt, các địa phương xem xét các hợp tác xã đáp ứng được yêu cầu về nhân lực, công nghệ thông tin, khả năng về chất lượng, số lượng hàng hóa tới đâu, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo các hợp tác xã này một cách chuyên nghiệp, sau đó sẽ từng bước nhân rộng trên cả nước.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế (Bộ Công Thương), nhấn mạnh muốn đẩy mạnh xuất khẩu xuyên biên giới, doanh nghiệp cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Do vậy, nên tập trung vào những sản phẩm là lợi thế của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đó.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, bên cạnh việc tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu, doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó.

Đặc biệt, doanh nghiệp nên nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục