Nhật coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với VN

Quan chức Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định Tokyo muốn đạt được những kết quả cụ thể trong quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 27/10 khẳng định Tokyo coi trọng quan hệ với Việt Nam và muốn đạt được những kết quả cụ thể trên tất cả các mặt trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Phát biểu với phóng viên TTXVN trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết: "Kể từ tháng 11/2006, chưa có thủ tướng nào của Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Kan cho thấy quan điểm của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam và chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Kan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có kết quả tốt đẹp."

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 4/2009, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Quan chức trên cho rằng thông qua việc tổ chức cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Kan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh và trên các diễn đàn quốc tế, Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Ông nhấn mạnh Nhật Bản "muốn có các kết quả cụ thể trên tất cả các mặt của mối quan hệ đối tác chiến lược này."

Quan chức Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn, với dân số 85 triệu người, nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng lao động chăm chỉ, chi phí nhân công thấp và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình 7,3%/năm trong vòng 5 năm qua và có thể đạt 6,7% trong năm 2010. Việt Nam đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng nhà máy điện nguyên tử và hệ thống đường sắt cao tốc.

Theo quan chức này, các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến cơ sở hạ tầng sang Việt Nam cũng như đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Về chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Kan tới Việt Nam, quan chức này cho biết: "Trên quan điểm của chúng tôi, đây là chuyến thăm ngắn nhưng có ý nghĩa."

Về nội dung cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Kan và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan chức này cho rằng hai bên dự kiến sẽ hoan nghênh việc hai nước đã đạt được thỏa thuận cơ bản về sự hợp tác trong phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và khuyến khích các quan chức hai nước nỗ lực để sớm ký kết thỏa thuận này.

Liên quan tới vấn đề nền kinh tế thị trường của Việt Nam, quan chức này cho biết phía Nhật Bản đã tổ chức diễn đàn về việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam vào tháng 1/2010 và đang trong quá trình xem xét một loạt quy chế cũng như thông tin liên quan tới tình hình kinh tế và các chính sách kinh tế của Việt Nam.

Theo quan chức này, có khả năng vấn đề quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ được thảo luận tại cuộc hội đàm sắp tới giữa các nhà lãnh đạo hai nước và có thể sẽ có một vòng đàm phán khác về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được chính thức khẳng định.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Kan sẽ tới Hà Nội vào tối 28/10. Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam, trong các ngày 29 và 30/10, Thủ tướng Kan sẽ tham dự một loạt sự kiện liên quan tới Hội nghị Cấp cao ASEAN, trong đó có Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Bên lề các hội nghị này, Thủ tướng Kan sẽ có các cuộc gặp với người đồng cấp Singapore và New Zealand và có thể sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục