Nhật thử một hệ thống xử lý nước nhiễm phóng xạ

Hệ thống xử lý sẽ tách các chất nhiễm phóng xạ cao ra khỏi nước để có thể tái sử dụng chúng để làm mát các lò phản ứng đã bị hỏng.
Sau một vài ngày tạm hoãn, ngày 14/6, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống xử lý nước nhiễm phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

TEPCO cho hay hệ thống trên được thiết kế nhằm tách các chất nhiễm phóng xạ cao ra khỏi một khối lượng nước khổng lồ tại các tổ máy của nhà máy, sao cho cuối cùng có thể tái sử dụng chúng để làm mát các lò phản ứng đã bị hỏng trong thảm họa động đất-sóng thần hôm 11/3 vừa qua.

Thời gian thử nghiệm có thể kéo dài nhiều ngày hơn so với dự kiến trước khi có thể đưa vào hoạt động đầy đủ.

Quá trình thử nghiệm được bắt đầu từ việc vận hành bộ phận hấp thụ chất phóng xạ cesium. Đây là một trong hai bộ phận chính của hệ thống xử lý nước nhiễm xạ và do Công ty Kurion Inc. của Mỹ chế tạo.

Bộ phận thứ hai là hệ thống khử độc, do công ty Areva SA của Pháp sáng chế, nhằm tách các chất phóng xạ cesium và strontium bằng cách dùng một hóa chất để tập hợp và khiến những chất phóng xạ này lắng xuống thành một lớp cặn.

TEPCO hy vọng sau khi thử nghiệm, hệ thống trên có thể xử lý 1.200 tấn nước nhiễm xạ mỗi ngày.

Việc chạy thử hệ thống xử lý nước nhiễm xạ ban đầu dự định tiến hành vào ngày 10/6, nhưng đã phải hoãn lại do nước nhiễm xạ bị rò rỉ khỏi đường ống.

Trong khi đó, ngày 13/6, hãng tin Kyodo dẫn bản dự thảo báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản khẳng định nguồn nước máy ở nước này hiện vẫn an toàn nếu tình trạng rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima 1 không xấu thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục