Nhóm nhà khoa học Thụy Sĩ cho biết hiện tượng nước biển nóng lên đang xảy ra với tần suất và cường độ cao hơn do biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Trưởng nhóm nghiên cứu - nhà khoa học Thomas Frolicher và đồng nghiệp Erich Fischer thuộc Đại học Bern cùng với Nicholas Gruber thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ đã sử dụng dữ liệu vệ tinh và các mô hình khí hậu để tính toán nhiệt độ nước biển thay đổi gần đây và trong thời gian tới.
Nghiên cứu cho thấy số ngày nước biển nóng lên đã tăng gấp đôi từ năm 1982-2016, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng khi Trái Đất nóng lên.
[Videographics] Những thảm họa gì đe dọa nhân loại trong tương lai?
Hiện tượng này xảy ra trong thời gian dài có nguy cơ phá hoại các rạn san hô và tảo bẹ, cũng như đe dọa đến môi trường sống của nhiều loài cá và sinh vật biển khác.
Theo ông Frolicher, xu hướng này sẽ tiến triển nhanh hơn cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhóm nhà khoa học trên đã đưa ra dự báo về nhiệt độ nước biển dựa trên 2 kịch bản là đến năm 2100, nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và tăng 3,5 độ C.
Theo nghiên cứu, số ngày xảy ra hiện tượng nước biển nóng lên tăng từ khoảng 33 ngày hiện tại lên lần lượt 84 và 150 ngày nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 2 độ C và 3,5 độ C.
Khu vực có các điểm nóng đại dương vốn tăng gấp 3 lần, được dự báo sẽ tăng lần lượt 9 và 21 lần theo kịch bản 2 độ C và 3,5 độ C.
Số ngày trung bình xảy ra hiện tượng nước biển nóng lên cũng sẽ kéo dài hơn, từ 25 ngày hiện nay lên 55 ngày nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C và 112 ngày nếu nhiệt độ tăng thêm 3,5 độ C.
Nghiên cứu cho rằng hiện tượng nước biển nóng lên cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đại dương hấp thu các khí nhà kính.
Đến nay, các đại dương đã hấp thu hơn 90% lượng nhiệt do biến đổi khí hậu mà con người gây ra.
Nếu không nhờ khả năng này của đại dương, nhiệt độ không khí sẽ cao hơn 10 độ C./.