Nhiều cố gắng, đổi mới trong công tác xây dựng thể chế

UBTV Quốc hội cơ bản thống nhất các nguyên tắc lập dự kiến Chương trình năm 2023 và điều chỉnh Chương trình năm 2022 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Nhiều cố gắng, đổi mới trong công tác xây dựng thể chế ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đánh giá trong thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác xây dựng thể chế đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chú trọng, có nhiều cố gắng, đổi mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các nguyên tắc lập dự kiến Chương trình năm 2023 và điều chỉnh Chương trình năm 2022 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Về các vấn đề cụ thể, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như sau: Về điều chỉnh Chương trình năm 2022: Đổi tên và mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Về các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về 03 dự án; đồng thời chỉ đạo chuẩn bị báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các dự án luật này.

Sau khi có ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng 03 luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5/2022 (nếu kịp), báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình (Văn bản số 4181/TTKQH-PL ngày 08/4/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội).

Bổ sung dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp (soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn). 

[Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất bỏ thanh tra huyện]

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa: Ngày 21/4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình tại một kỳ họp. Bổ sung 5 dự án, bao gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; Lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 và xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6); Chưa bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 vì còn nhiều nội dung chính sách chưa được làm rõ; đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị kỹ hồ sơ, bảo đảm chất lượng, tính khả thi để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Về Chương trình năm 2023, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với 06 dự án luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 đối với 02 dự án luật, bao gồm: Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan để sửa đổi, bổ sung điều chỉnh những quy định cần thiết về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua trong năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có Báo cáo bổ sung tổng hợp các Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội, đồng thời giải trình, làm rõ các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nêu trong quá trình cho ý kiến, thẩm tra về dự kiến Chương trình.

Đối với các đề nghị xây dựng luật mà Chính phủ đã trình nhưng các cơ quan của Quốc hội chưa thẩm tra và chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này, giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội khẩn trương thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định; Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về dự kiến Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 gửi xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, sau khi trình Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 còn 97/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu trong thời gian tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; do đó đề nghị Chính phủ, các cơ quan tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Trường hợp sau khi rà soát, nghiên cứu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khẩn trương đề nghị đưa các dự án vào Chương trình hằng năm, bảo đảm thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết ban hành văn bản, tính khả thi của Chương trình, cân đối hài hòa với khối lượng công việc của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc lập pháp đã được Đề án Định hướng đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục