Nhiều dư địa hợp tác thương mại với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc

Tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác giao thương với các địa phương Việt Nam về các lĩnh vực vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu, thương mại trái cây.
Nhiều dư địa hợp tác thương mại với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ảnh 1Hội nghị hợp tác Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt Nam-Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) còn rất nhiều dư địa hợp tác, đặc biệt trong thương mại hàng hóa.

Đây là nhận định của các đại biểu tại hội nghị hợp tác thương mại và xuất nhập khẩu Việt Nam-Quảng Tây (Trung Quốc) do Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc chi nhánh Quảng Tây phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 12/4.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) cho biết, đến tháng 3/2023, số lượng dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 23,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư xếp thứ 18 trong tổng số 119 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính lũy kế đến 3/2023, Trung Quốc đã có 473 dự án đầu tư còn hiệu lực tại thành phố với tổng vốn đạt trên 267 triệu USD.

Trong thời gian qua, nhiều dự án hợp tác giữa các địa phương hai nước được thúc đẩy, thêm nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Hiện nay, mối quan hệ giữa Quảng Tây và Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới. Hai bên đã thống nhất triển khai hợp tác thương mại về điện lực; nâng cao hiệu suất thông quan với việc thí điểm mô hình “cửa khẩu thông minh," triển khai hợp tác cảng biển… góp phần củng cố và đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương và nhân dân hai bên.

Giới thiệu về môi trường đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, có vị trí chiến lược thuận lợi, dân số hơn 10 triệu người, chiếm tỷ lệ 10% dân số và đóng góp 22% GDP của Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng Đông Nam bộ với đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại.

Đồng thời, cùng với các địa phương lân cận Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để thành phố kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực cả hai vùng Đông và Tây Nam bộ cũng như quốc tế.

[Đẩy mạnh hợp tác song phương giữa Đà Nẵng và tỉnh Quảng Tây]

Theo ông Nguyễn Tuấn, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Hiện tại, thành phố đã có 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000ha.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng sở hữu Khu Công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô khoảng 913 ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng hơn 12 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec…

Nhiều dư địa hợp tác thương mại với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc ảnh 2Trong ảnh: Các doanh nghiệp Việt Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết hợp tác thương mại tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn có hạ tầng thương mại hiện đại và phát triển rộng khắp các địa bàn quận-huyện; tập trung nhiều nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với nhiều thành phần đến sinh sống, nghiên cứu, làm việc và học tập. Hiện có hơn 400.000 doanh nghiệp hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, là đối tác đáng tin cậy của các doanh nghiệp trên thế giới đến với Việt Nam; trong đó có các doanh nghiệp từ Trung Quốc.

Có thể nói tiềm năng hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Trung Quốc, trong đó có Quảng Tây còn rất lớn…

Các nhà đầu tư khi đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội tiếp cận lượng khách hàng rất không chỉ tại thành phố mà còn cả khu vực. Chính quyền thành phố luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư và kinh doanh.

Bà Wu Juan, Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc Chi nhánh Quảng Tây cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 là 234,9 tỷ USD.

Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam là 29,3 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và ASEAN. Trong suốt 24 năm liên tục, Việt Nam duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.

Theo bà Wu Juan, Hội nghị hợp tác Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Tây) lần này được tổ chức nhằm xây dựng nền tảng kết nối, thúc đẩy hợp tác giao thương giữa ngành vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp thương mại trái cây của Quảng Tây và Việt Nam; từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp Quảng Tây tiếp cận, khám phá thị trường Việt Nam và ASEAN.

Tại hội nghị, hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác xuất nhập khẩu chuỗi lạnh giữa Quảng Tây và Việt Nam để cùng thúc đẩy nâng cấp xuất nhập khẩu chuỗi lạnh xuyên biên giới và thúc đẩy phát triển thương mại.

Qua đó, tạo thuận lợi cho việc ký kết các thỏa thuận thu mua rau quả giữa các doanh nghiệp Quảng Tây và Việt Nam, thúc đẩy hợp tác thương mại xuyên biên giới một cách thực chất.

Hội nghị sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp Quảng Tây và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết, hợp tác và trở thành đối tác quan trọng, tin cậy, bền vững của nhau trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục