Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của ban soạn thảo trong việc xây dựng các quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, hiện nay các quy định trong dự thảo Luật về vấn đề này còn chung chung, chủ yếu dừng lại ở phân công mà chưa lường hết tình huống sẽ xảy ra trong thực tiễn.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, ban soạn thảo cần có sự đánh giá bản chất của các hình phạt đình chỉ vĩnh viễn, đình chỉ có thời hạn, cấm kinh doanh. Theo đại biểu, đối với hình phạt đình chỉ có thời hạn và hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, về bản chất là như nhau, đều là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một số hoạt động, một số lĩnh vực. Chỉ khác nhau về thời hạn tạm dừng hoạt động, từ 6 tháng đến 3 năm đối với đình chỉ có thời hạn và cấm kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, thời hạn từ 1-3 năm.
Từ thực tiễn đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể về quy trình thủ tục việc giải quyết hậu quả của hai hình phạt này.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề nghị ban soạn thảo cần đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Luật, bao gồm: Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Với 451/456 phiếu tán thành, chiếm 92,99%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi).
Các trường hợp không được đề nghị đặc xá, Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định: Người bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố và một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự.
Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đồng thời, các trường hợp không được đặc xá còn có: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; có từ 2 tiền án trở lên; trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.
Với 455/461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 93,81%, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt. Với 7 chương, 85 điều, Luật quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Luật quy định Chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch có liên quan. Chiến lược phát triển trồng trọt xác định quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển trồng trọt trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển trồng trọt.
Luật Chăn nuôi đã được thông qua với 454/464 phiếu tán thành, chiếm 93,61%. Luật quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi với 8 chương, 83 điều.
Liên quan đến nguyên tắc hoạt động chăn nuôi, Luật quy định: Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của thế giới; kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái. Đồng thời, các nguyên tắc tiếp theo là: xã hội hóa hoạt động chăn nuôi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi; bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Với 467/468 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 96,29 %, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát biển tại Kỳ họp thứ 6.
Luật gồm 8 chương, 41 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408/456 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm 84,12%.
Theo đó, một trong những trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật; Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; hằng năm, tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động, của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.../.