Nhiều trẻ em Việt Nam đang vật lộn với khó khăn về sức khỏe tâm thần

Theo kết quả điều tra của UNICEF, nhiều trẻ em, vị thành niên, thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần do thiếu kỹ năng ứng phó và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.

Ngày trẻ em thế giới năm nay có chủ đề "Nâng cao sức khỏe tâm thần tích cực nghĩa là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em." (Ảnh: UNICEF)
Ngày trẻ em thế giới năm nay có chủ đề "Nâng cao sức khỏe tâm thần tích cực nghĩa là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em." (Ảnh: UNICEF)

Hôm nay 28/11 tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp ưuốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em thế giới 2023.

Đây là sự kiện nằm trong chiến dịch truyền thông với chủ đề "Mở lòng & kết nối" kéo dài từ ngày kỷ niệm ngày Công ước về Quyền Trẻ em (CRC) có hiệu lực 20/11 đến ngày ngày kỷ niệm 77 năm thành lập UNICEF 11/112.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Ngày trẻ em thế giới năm nay có chủ đề 'Nâng cao sức khỏe tâm thần tích cực nghĩa là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em.' Tôi mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và hành động tích cực để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em với các giải pháp thiết thực và bền vững.”

Theo kết quả điều tra về sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam mới nhất, nhiều trẻ em, vị thành niên, thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, các hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi xã hội.

Báo cáo điều tra cho thấy khoảng 20% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng chỉ 8,4% trẻ em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề cảm xúc và hành vi. Đặc biệt, chỉ có 5,1 % cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

403942406_1057857648687850_7078577949030695381_n.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hưởng ứng Ngày trẻ em thế giới 2023, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh cần tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, trong đó quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em cho cha, mẹ và các thành viên gia đình nhằm phát hiện sớm, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần kiện toàn các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em; rà soát, bổ sung và các hoàn thiện quy định của luật pháp và chính sách liên quan đến hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường công tác tâm lý, tham vấn học đường....

Chia sẻ về tình hình chăm sóc trẻ em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thêm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2023 cũng đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bà Rana Flower, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một chiến lược toàn diện về sức khỏe tâm thần. UNICEF khuyến khích Việt Nam tập trung cụ thể vào những can thiệp sớm, đưa ra các chiến lược và can thiệp phù hợp được thiết kế riêng cho trẻ em và vị thành niên nhằm xây dựng kỹ năng và nâng cao khả năng phục hồi cũng như tăng cường sức khỏe tâm thần.

04833746d7537e0d2742.jpg
Các đại biểu thảo luận về giải pháp tăng cường chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Điều cần thiết là tất cả chúng ta, những người làm cha mẹ, giáo viên, nhân viên xã hội, nhân viên y tế, chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân cùng hành động để xóa bỏ sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần, cần hiểu được sự khác biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong việc trải nghiệm và ứng phó liên quan đến sức khỏe tâm thần, tích cực và kiên trì thúc đẩy các phương pháp tiếp cận và chiến lược nhằm tăng cường phòng ngừa nguy cơ nghiêm trọng trong lĩnh vực này," bà Rana Flowers nói.

Tại buổi lễ, các chuyên gia cũng đã cùng phân tích tình hình sức khỏe tâm thần của trẻ em và vị thành niên; khẳng định việc tạo ra mạng lưới an toàn, phòng ngừa xâm hại trẻ em, loại bỏ những nguy cơ từ phía trường học, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình là vấn đề quan trọng để bảo vệ trẻ em. Nhiều ý tưởng, bài học kinh nghiệm hỗ trợ đã được chia sẻ thắn thắn, đóng góp tích cực cho việc xây dựng một chiến lược quốc gia năng động và nhạy cảm với trẻ em, vị thành niên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục