“Nhọc nhằn” kịch bản phục hồi kinh tế thế giới theo mô hình chữ K

Nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan.
“Nhọc nhằn” kịch bản phục hồi kinh tế thế giới theo mô hình chữ K ảnh 1Các xe tải chở hàng hóa di chuyển qua khu vực biên giới Mexico-Mỹ ở Tijuana, bang Baja California, Mexico ngày 4/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đang phát đi những tín hiệu lắng dịu nhờ sự xuất hiện của các loại vaccine, kinh tế toàn cầu đứng trước cơ hội phục hồi nhanh hơn dự kiến. Trong số đó, động lực tăng trưởng lớn nhất có lẽ là nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong báo cáo vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng việc phân phối vaccine không đồng đều sẽ dẫn đến nhiều mối đe dọa đối với sự phục hồi này, do khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo bị nới rộng.

Những nỗi đau thêm dài

Giới chuyên gia cho rằng các động lực toàn cầu đang hướng đến quá trình phục hồi kinh tế “hình chữ K” trên toàn thế giới. (Nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan).

[IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức cao kỷ lục]

Trong khi nhiều quốc gia giàu có đã sẵn sàng với những biện pháp mở rộng nền kinh tế trong năm nay, một vài quốc gia khác đang đối mặt với nguy cơ bị đảo ngược những tiến bộ hàng thập kỷ trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Các quan chức kinh tế quốc tế hàng đầu đã cảnh báo rằng sự khác biệt này - đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng bởi quá trình triển khai vaccine chậm chạp ở các nước đang phát triển - là mối đe dọa đối với sự ổn định và tăng trưởng dài hạn.

Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF, cho biết tại một cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân hàng năm của quỹ này và Ngân hàng Thế giới (WB): “Vận may kinh tế trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau đang bị phân chia một cách nguy hiểm."

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã từng nhấn mạnh quan điểm này trong một bài phát biểu. Bà Yellen cho rằng việc các nước thu nhập thấp và trung bình không có khả năng đầu tư vào chương trình tiêm chủng mạnh mẽ có thể dẫn đến “một cuộc khủng hoảng sâu sắc và kéo dài hơn, với các vấn đề như mắc nợ, đói nghèo và bất bình đẳng ngày càng gia tăng."

IMF đã nâng dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2021, nhờ vào việc phân phối vaccine và tiêm chủng tích cực tại những nền kinh tế lớn.

IMF dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, cao hơn so với mức 5,5% dự báo trước đó, sau khi đã suy giảm 3,3% vào năm 2020.

Mỹ là quốc gia tiên phong trên con đường thoát khỏi khủng hoảng. Nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2021. Trong khi đó, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản ước tính tăng trưởng lần lượt 4,4% và 3,3%.

Ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng.

Kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,4%, mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho tăng trưởng chung toàn cầu và Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 12,5%.

Tuy nhiên, trong số các nền kinh tế tiên tiến, những lao động có kỹ năng thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các quốc gia có thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với thiệt hại lớn hơn về sản lượng kinh tế so với các nền kinh tế tiên tiến.

Hậu quả là những lợi ích của việc giảm nghèo sẽ bị đảo ngược và có nguy cơ gây ra những “vết sẹo lâu dài” thời đại dịch.

Trong nhiều trường hợp, các nền kinh tế mới nổi có ít nguồn lực hơn để kích thích tài khóa, đầu tư vaccine và đào tạo lực lượng lao động - những yếu tố khiến họ có nguy cơ tụt hậu và bế tắc khi thế giới bắt đầu phục hồi.

Nếu tốc độ tăng trưởng của những nền kinh tế này bị tụt lại một cách đáng kể, việc các nền kinh tế lớn như Mỹ đang tăng tốc có thể làm nỗi đau thêm dài.

“Không rút lại các biện pháp hỗ trợ tài chính quá nhanh”

Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn tại Mỹ nhiều khả năng sẽ đẩy môi trường lãi suất tăng cao. Điều này sẽ tạo ra động lực hút vốn vào nền kinh tế lớn nhất thế giới và sẽ khiến việc vay vốn trở nên đắt đỏ hơn ở những nền kinh tế vốn đã yếu và dẫn đến nguy cơ biến động tiền tệ.

Các chuyên gia nghiên cứu tại IMF trong một bài đăng trên blog gần đây đã chỉ ra rằng điều quan trọng là môi trường lãi suất tại Mỹ đang tăng lên do triển vọng kinh tế được củng cố, vốn là một tín hiệu sáng đối với các hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, "những quốc gia không có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn vay bên ngoài có thể cảm thấy lo lắng về việc này.”

Hầu hết các quan chức Mỹ đều tập trung vào việc làm sao để tăng trưởng trong nước hỗ trợ phần còn lại của thế giới, khi người tiêu dùng Mỹ thu mua hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài.

“Nhọc nhằn” kịch bản phục hồi kinh tế thế giới theo mô hình chữ K ảnh 2Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Richard H. Clarida, Phó Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho biết trong một bài phát biểu gần đây: “Năm nay, Mỹ sẽ trở thành đầu kéo của kinh tế toàn cầu.”

Bà Yellen cũng đưa ra lập luận tương tự hôm 6/4 với lời kêu gọi các nước không từ bỏ hỗ trợ tài chính.

Nhà lãnh đạo này nói: “Đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Mỹ sẽ ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ triển vọng toàn cầu và chúng tôi sẽ cẩn thận rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính, đó là không rút lại các biện pháp hỗ trợ một cách quá nhanh.”

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những rủi ro, ví dụ như tiến độ tiêm chủng chậm chạp hơn ở nước ngoài có thể ảnh hưởng đến sự cải thiện của kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Trong khi ở Mỹ, tỷ lệ là 500 liều vaccine phân phối cho mỗi 1.000 người thì tại Mali và Afghanistan, tỷ lệ này chỉ là 1:1.000.

Monica de Bolle, một thành viên cấp cao chuyên nghiên cứu về các thị trường mới nổi tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lưu ý rằng một khu vực rộng lớn của thế giới bao gồm Nam Mỹ và các khu vực của châu Phi, nhiều khả năng sẽ chỉ có thể tiến hành tiêm chủng vaccine rộng rãi vào năm 2023 hoặc muộn hơn.

Trong bối cảnh đó, bà Monica de Bolle kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và có lưu ý đến những hậu quả đối với quá trình phục hồi nền kinh tế của sự chênh lệch phân phối vaccine.

Đồng quan điểm này, Giám đốc phụ trách tài chính của IMF Vitor Gaspar cũng cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ không thể biến mất cho đến khi virus SARS-CoV-2 bị tiêu diệt hoàn toàn ở khắp mọi nơi. Do đó, việc đầu tư vào tiêm chủng là rất quan trọng.

Ông Gaspar cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tiêm chủng toàn cầu có lẽ là khoản đầu tư công toàn cầu mang lại lợi nhuận cao nhất từng được xem xét. Chính sách tiêm chủng là chính sách kinh tế."

Một góc nhìn lạc quan hơn

Trong khi các cơ quan chính sách toàn cầu đang cảnh báo về sự liên kết giữa tăng trưởng và tình trạng sức khỏe cộng đồng, một số nhà kinh tế tại Phố Wall lại có quan điểm lạc quan hơn.

Chuyên gia Jan Hatzius tại ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 5/4: “Chúng tôi cho rằng những người tham gia thị trường đã đánh giá thấp tốc độ cải thiện của tình hình sức khỏe cộng đồng và hoạt động kinh tế trong phần còn lại của năm 2021.”

Tỷ lệ tiêm chủng đang tăng cao ở các nước Canada, Australia, Anh và Eurozone.

Tại các thị trường mới nổi, ông Hatzius cho rằng các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs kỳ vọng sẽ có từ 60-70% dân số sở hữu “ít nhất một số khả năng miễn dịch” vào cuối năm nay, trong đó có tính cả những người từng nhiễm COVID-19.

Chuyên gia này cũng cho rằng một trong nhiều nguyên nhân khiến Trung Quốc và những quốc gia châu Á khác được xếp vào nhóm “những nước tụt hậu” về phân phối vaccine đó là khu vực châu Á đã rất thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch.

Trong bối cảnh đó, quá trình phục hồi nhanh chóng trên toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng đối với các triển vọng chính sách kinh tế, cả về mặt hỗ trợ từ chính phủ và các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương như Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), đã áp dụng các chính sách kết hợp giữa môi trường lãi suất chạm đáy, các đợt mua trái phiếu khổng lồ và nhiều biện pháp khẩn cấp khác để cố gắng ngăn chặn hậu quả của đại dịch, với phương châm không rút lại các trợ giúp kinh tế quá sớm.

Randal K. Quarles, Phó Chủ tịch phụ trách mảng giám sát của Fed và là người đứng đầu Ủy ban Ổn định Tài chính toàn cầu, cho biết trong một bức thư rằng các nhà hoạch định chính sách toàn cầu thường coi việc sớm rút các biện pháp hỗ trợ sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn so với việc duy trì.

Đồng quan điểm này, IMF cũng cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ môi trường lãi suất ở Mỹ, bởi nếu Fed tăng lãi suất bất ngờ có thể gây ra những rủi ro tài chính.

IMF cũng kêu gọi các quốc gia duy trì việc hỗ trợ tài chính có mục tiêu - và sẵn sàng cung cấp nhiều hơn nếu các làn sóng lây nhiễm xuất hiện trong tương lai.

Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, cho biết: “Đối với tất cả các quốc gia, đại dịch vẫn chưa kết thúc.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục