Nhu cầu tiêu thụ đồ điện tử tăng mạnh trong đại dịch COVID-19

Người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tăng mạnh chi tiêu cho các sản phẩm điện tử, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân, máy tính bảng và trò chơi điện tử tăng vọt.
Nhu cầu tiêu thụ đồ điện tử tăng mạnh trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bt.com)

Một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 3/2 cho thấy người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tăng mạnh chi tiêu cho các sản phẩm điện tử, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân, máy tính bảng và bộ trò chơi điện tử cầm tay tăng vọt.

Cơ quan thống kê Strategy Analytics, có trụ sở tại Boston (Mỹ), cho biết doanh thu từ các sản phẩm điện tử năm 2020 tăng 7% lên mức 358,5 tỷ USD khi người tiêu dùng mua ồ ạt các thiết bị phục vụ làm việc, học tập và giải trí.

Doanh số bán các loại máy tính cá nhân và máy tính bảng dùng trong gia đình năm ngoái tăng 11% lên mức 396 triệu thiết bị, doanh thu cũng tăng 17% lên 199 tỷ USD.

Trong khi đó, doanh thu từ bộ trò chơi điện tử cầm tay tăng 18% lên 11,9 tỷ USD, nhờ việc ra mắt hàng loạt sản phẩm mới trong năm qua.

Chuyên gia về các thiết bị kết nối trong nhà của Strategy Analytics, ông David Watkins cho biết trái ngược với dự đoán có phần bi quan về tình hình kinh tế trong bối cảnh đại dịch, khách hàng vẫn tiếp tục chi tiêu cho các sản phẩm công nghệ.

Thị trường đồ điện tử cho thấy kết quả hoàn toàn khác so với dự đoán trước đó, khi vượt qua tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đạt mức tăng trưởng vững chắc. 

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng giảm nhẹ, nhưng đây là kết quả vượt xa kỳ vọng của ngành công nghiệp này đầu năm 2020.

[Những xu hướng công nghệ đáng chú ý trong năm 2021]

Nghiên cứu lưu ý các chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức mạnh cho thị trường này, thậm chí còn có dấu hiệu cho thấy các nhà cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu.

Chuyên gia của Strategy Analytics, ông Eric Smith nhận định ngành điện tử vẫn phải đối mặt với một số khó khăn cho đến cuối năm 2021, do xu hướng làm việc và học tập tại nhà vẫn thúc đẩy nhu cầu của người dùng.

Cùng với xu hướng trên, các công ty thương mại điện tử cũng "ăn nên làm ra" trong thời kỳ dịch bệnh. Cổ phiếu của eBay đã tăng gần 10% giá trị trong phiên giao dịch ngày 3/2. Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã buộc hàng triệu người Mỹ ở nhà, đẩy mạnh nhu cầu sử dụng các nền tảng mua sắm trực tuyến như eBay, Amazon và Walmart.

Theo dữ liệu của Hệ thống tính toán IBES thuộc công ty Refinitiv, dự báo doanh thu quý 1 năm 2021 của eBay dao động từ 2,94-2,99 tỷ USD, cao hơn dự báo ban đầu là 2,53 tỷ USD. Lượng người mua hàng tích cực trong năm 2020 của công ty đã tăng 7% lên 185 triệu người.

Trước đó, doanh thu quý 4 năm 2020 của eBay cũng tăng từ 2,24 tỷ USD lên 2,87 tỷ USD, cao hơn 0,14 tỷ USD so với dự đoán. Tỷ suất lợi nhuận của eBay đạt 86 cent/cổ phiếu, cao hơn ước tính trước đó là 83 cent/cổ phiếu.

Trong khi đó, một công ty thương mại điện tử khác là PayPal Holdings cũng công bố báo cáo doanh thu vượt dự đoán của giới chuyên môn, khi lượng tiền thanh toán qua công ty này năm 2020 đạt mức kỷ lục 936 tỷ USD.

Tính riêng quý 4 năm 2020, lượng tiền thanh toán qua PayPal tăng 39% lên 277,1 tỷ USD, thu hút thêm 16 triệu khách hàng tích cực mới. Doanh thu theo quý tăng khoảng 23% lên 6,12 tỷ USD, cao hơn 0,03 tỷ USD so với ước tính.

Trong năm qua, ứng dụng gửi tiền Venmo dành cho khách hàng của PayPal tại Mỹ cũng đạt mức thanh toán 47 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2019.

Thu nhập ròng của công ty trong năm qua tăng lên mức 1,57 tỷ USD, tương đương 1,32 USD/cổ phiếu, cao gấp 3 lần so với năm 2019. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 1,08 USD/cổ phiếu, cao hơn dự báo trước đó là 1 USD/cổ phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục