Những bộ phim mẫu mực cho thời trang nam giới

Kẻ nghiện rượu, thằng hề, kẻ cướp nhà băng...cũng giống như đời thường, người đàn ông sành điệu trong phim chưa bao giờ là người hoàn hảo.
Kẻ nghiện rượu, thằng hề, kẻ cướp nhà băng, giết người thuê hay tuổi dậy thì bất an - cũng giống như trong đời thường, người đàn ông sành điệu trong phim chưa bao giờ là người đàn ông hoàn hảo. 1. Kid Auto Races at Venice, Cal. (1914) Mối quan hệ mặn mà giữa thời trang và điện ảnh bắt đầu khi nhân vật kẻ vô gia cư của Charlie Chaplin xuất hiện trên màn ảnh rộng trong bộ phim câm dài vẻn vẹn 7 phút. Nhà đạo diễn tương lai đã cho nhân vật hài nổi tiếng của mình ra đời nhờ quần áo đi mượn của bạn bè, mặc theo ý tưởng “xộc xệch toàn diện.” “Tôi không rõ anh chàng vô gia cư đó là ai, nhưng tôi hiểu anh ta ngay lập tức sau khi hóa trang và mặc trang phục lên người," ông kể về vai trò của trang phục trong việc xây dựng nhân vật gần 20 năm sau đó. Kẻ vô gia cư không chỉ gây cười cho khán giả suốt gần 100 năm qua mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho thời trang avant-garde. Phong cách “xộc xệch,” giả khổ với áo vest nhỏ, co nhăn nhúm (shrunken jacket), quần ngắn, ống rộng, chất liệu nhầu nát, có vẻ cũ kĩ và đặc biệt là giày dép “méo mó một cách nghệ thuật” hiện đã trở thành vẻ bề ngoài sành điệu của những “kẻ vô gia cư” hiện đại. 2. Casablanca (1942) Kinh điển của điện ảnh thế giới để lại cho thế hệ sau nhiều lời thoại bất hủ cũng như hình mẫu tuyệt vời của người đàn ông chín chắn, rắn rỏi đương đầu với cuộc sống thời chiến loạn lạc. Mặc dù giọng nói của Rick (Humphrey Bogart) - người miêu tả quốc tịch của mình là “kẻ nghiện rượu” có thể để lộ một chút mỉa mai (tuy vẫn kém xa Rhet Buttler của Clark Gable trong "Cuốn theo chiều gió") vì bản thân anh bị giằng xé “giữa tình yêu và đạo đức.”
Những bộ phim mẫu mực cho thời trang nam giới ảnh 1
Humphrey Bogart mặc áo khoác trench và đội mũ fedora hai lần trong phim. Khi bị người yêu là Ilsa (Ingrid Bergman) bỏ rơi dưới trời mưa tầm tã trên sân ga Paris, chờ chuyến tầu cuối cùng đi Marseille trước khi quân đội phát xít Đức tiến vào thành phố. Lần thứ hai là cuộc chia ly vĩnh viễn của đôi tình nhân trong đêm sương mù ở sân bay Casablanca, khi Rick giải thoát vợ chồng Ilsa và Laszlo (Paul Henreid) khỏi vòng vây của Gestapo. Để thấy rằng áo khoác trench là người bạn đồng hành cùng người đàn ông phương Tây sống tha hương trong những giây phút quan trọng nhất của đời họ. 3. The wild one (1953) Bộ phim đã làm nên huyền thoại Marlon Brando. Thần tượng trẻ tuổi của Hollywood đóng vai Johnny, thủ lĩnh băng đảng “quái xế” xâm chiếm một thị trấn nhỏ trên xe máy đồ sộ phân khối lớn. Mạnh mẽ, ương ngạnh, tuy “không biết cách nói lời cảm ơn,” nhưng dưới vẻ bề ngoài có phần lưu manh là một thanh niên nhạy cảm đang yêu. Trong hai băng đảng làm náo loạn cuộc sống yên bình của những người dân Mỹ tỉnh lẻ, bộ xậu của Johnny “vô tội hơn” và cũng là những kẻ “cool” hơn. Bọn chúng đều mặc áo da đen “perfecto leather jacket” - kiểu áo da ôm sát người, ngắn đến thắt lưng, thân trước kép và cài phécmơtuya, dành cho người đi xe máy phân khối lớn được giới trẻ thập kỷ 1950 ưa chuộng.
Những bộ phim mẫu mực cho thời trang nam giới ảnh 2
Đây là cũng là lúc văn hóa tuổi teen xuất hiện tại phương Tây, thể hiện bản sắc riêng biệt qua trang phục, lối sống, từ chối khuôn mẫu của các thế hệ đi trước. Hình ảnh Marlon Brando đầu đội mũ lưỡi trai, mặc áo da perfecto jacket, áo t-shirt trắng cổ viền đen với quần bò Levis xắn gấu, đi xe phân khối lớn trở thành kiểu mẫu cho phong cách ngang tàng đầy sự phản kháng của họ.

4. Rebel without a cause (1955)

Với các diễn viên trẻ nổi tiếng James Dean, Natalie Wood, Sal Mineo quay cận cảnh sự cô đơn tuyệt vọng của tuổi thiếu niên phương Tây trong thập kỷ 1950. James Dean đóng vai Jim Stark, một học sinh trung học mới chuyển trường, khi ở nhà bất đồng với bố mẹ và phải đương đầu với đám học trò hung hăng tại nơi học mới.

Cái chết bất ngờ của tài tử điện ảnh đẹp trai mới 24 tuổi này trong một tai nạn ôtô trước ngày phim công chiếu một tháng đã làm anh trở thành biểu tượng cho tuổi trẻ cô đơn, đau khổ, tìm kiếm tình cảm và sự chấp nhận cho bản thân.


Các nhà quay phim đã khéo léo phác họa sự hấp dẫn tình dục của tuổi dậy thì bất an qua trang phục. Jim xem xét vết thương trước khi trốn khỏi nhà đi đua ôtô đêm khai giảng, kéo áo phông qua đầu, vải thun trắng phủ lên những vết dao trên người.

Chúng ta thấy Jim mặc mỗi áo lót t-shirt trắng và quần bò trong cảnh cao trào của phim diễn ra trong đêm đó. Áo khoác blouson đã được anh nhường cho cậu bạn thân Plato (Sal Mineo) vài phút trước khi Plato bị cảnh sát bắn chết.

5. Le Samurai (1967)

Jef Costello (Alain Delon) sống trong một căn hộ nhỏ trống vắng, lạnh lẽo như thiên đường cho những kẻ ở ẩn hiện đại. Khuôn mặt anh cân đối, sáng sủa, tỏa ra vẻ đẹp lạnh lùng không để lộ bất cứ tình cảm nào.

Đã thành lệ, mỗi khi mở cửa bước ra ngoài, anh soi gương, cẩn thận đội chiếc mũ phớt lên đầu, lấy ngón tay vuốt vành mũ. Trang phục của anh phẳng phiu, hoàn hảo hơn cả những thiết kế nổi tiếng của bà hoàng của thời trang tối giản Jil Sander của thập kỷ 1990.

Jef Costello là kẻ giết người thuê chuyên nghiệp tuyệt vời, chưa hề xuất hiện trong sổ đen của cảnh sát Paris, hành sự với hai bàn tay điêu luyện đeo găng tay trắng. Anh ta dùng trang phục để ngụy trang, để tạo cho mình bằng chứng của sự vô tội. Hoặc là không ai nhìn thấy anh. Hoặc là một nhân chứng nào đó nhớ rõ anh ở một nơi cách xa án mạng. “Tôi có hình ảnh của người đó, một nhân chứng khai với cảnh sát. Chiếc mũ kia, chiếc áo khoác kia, nhưng với khuôn mặt của người đàn ông này.”


Mũ phớt, áo khoác trench khaki và khuôn mặt lạnh tanh trở thành hình ảnh cho phong cách “những kẻ giết người sành điệu.” Nếu tin những nhà đạo diễn của làn sóng mới của điện ảnh Pháp thập kỷ 1960, lúc nào họ cũng có những cô gái trẻ đẹp tôn thờ và luôn luôn bị ai đó phản bội.

6. Ocean’s 11 (bản đầu tiên chiếu năm 1960)

Với Frank Sinatra và Dean Martin kể về nhóm cướp sòng bạc tại Los Angeles. Đây không phải là lần đầu tiên Hollywood làm cho những nhân vật phản diện trở nên dễ mến, đầy nhân tính, và làm người xem không thể không có cảm tình với họ.

Tất cả nhóm cướp chuyên nghiệp thân thiện này đều mặc complê.

Trong thập kỷ 1950, áo sơ mi trắng, áo veston, quần âu là đồng phục nơi công sở, hình ảnh ngoài xã hội của phái mày râu. Nó gắn liền với công việc và sự nhàm chán, biến đàn ông thành những chiếc đinh ốc vô hồn trong bộ máy xã hội. Băng cướp trong Ocean’s 11 lại mang đến những hình ảnh những anh chàng trong bộ complê trông hấp dẫn, sành điệu và “chất nghệ.” May bằng vải nhẹ hơn, kết cấu đơn giản hơn, dáng áo mềm mại, cắt sát người, với ve áo hẹp, ống quần nhỏ. Đây là bộ complê mới của thập kỷ 1960, hay nói cách khác, cắt theo phong cách cởi mở, phóng khoáng và sexy của những tay thợ may người Ý, trái hẳn với truyền thống của người Anh.


Thập kỷ 60 cũng là chính là lúc lối sống Ý, với các quán cafe, xe Vespa và những “người đàn ông khoe mẽ” bùng nổ tại London, thủ phủ của thời trang trẻ thế giới lúc bấy giờ.

7. Yellow Submarine (1968)

Đây là bộ phim hoạt hình dài 90 phút với các bài hát của The Beatles và bốn nhân vật mô phỏng theo bốn thành viên của ban nhạc Anh nổi tiếng. (Tên phim được đặt theo bài hát ra đĩa năm 1966).

Tuy vậy, bản thân họ không tham gia trực tiếp làm phim mà chỉ xuất hiện một đoạn ngắn ở cuối phim. “Tàu ngầm màu vàng” ra mắt khán giả trong thập kỷ của nghệ thuật pop art, chịu ảnh hưởng của Andy Warhol, Peter Blake, Bridget Riley. Đây cũng là lúc thể loại nhạc psychodelic pop đạt đến đỉnh cao.

Bộ phim có thể coi là một bữa tiệc tuyệt vời cho các giác quan, với các tông màu sặc sỡ, mô típ hình họa siêu thực và những âm thanh kỳ diệu. Hình ảnh huyền diệu của phim (và của thập kỷ) phản chiếu trong thời trang nam giới trong giai đoạn ngắn ngủi từ 1967 đến 1969.

Các nhóm thanh niên sành điệu đi bar, đi vũ trường trong những bộ complê khoe mẽ. Họ gây sốc trên đường phố với dáng vẻ kiêu kỳ, mái tóc dài phi giới tính, trong màu sắc lạ mắt, chất liệu và mô típ đầy tính trang trí mượn từ trang phục của dandies - những người đàn ông ăn mặc điệu đà của thời Edwardian. Những người “đàn ông màu mè” của thế hệ tình yêu (love generation) biến mất đầu thập kỷ 1970 (tuy không phải là không xuất hiện trở lại nhiều lần trên sàn diễn thời trang).

8. American Gigolo (1980)

Bộ phim kể câu chuyện tình giữa Michelle (Lauren Hutton), vợ của một chính trị gia và Julian (Richard Gere), người đàn ông trạc 30 tuổi sống bằng tiền của các bà bạn gái giàu có. Tất nhiên, đây không phải là bộ phim nói về “chiến tranh giới.”


Qua nhân vật Julian, người tự coi mình là “có tài làm vừa lòng phái đẹp,” phim giới thiệu cho các khán giả nam giới của phương Tây cách hưởng thụ sự khoái lạc lặng lẽ từ việc trưng diện. Bắt đầu từ công đoạn lựa chọn áo sơ mi, áo veston, quần âu, đi tất, xỏ giày, chọn cà vạt, cho đến cách tạo dáng đứng trước người phụ nữ đang chờ đợi được chinh phục. Nhất là khi đó là những chiếc áo veston của Giorgo Armani thiết kế với các màu thanh nhã, từ beige đến các tông màu nâu, xám.

Một lần nữa người Ý lại đem lại bước ngoặt mới cho thời trang nam giới. Áo veston của Armani có cấu trúc mềm mại, mặc dễ chịu như những chiếc áo len cài khuy cardigan, đem lại cho người đàn ông cảm giác thoải mái, trẻ trung, hấp dẫn phái đẹp. Tuy vậy, nhìn từ bề ngoài, nó vẫn đầy đủ các tiêu chuẩn của một trang phục trang trọng dành cho những người đàn ông thành đạt trên con đường công danh.

9. The Blues Brothers (1980)

“Joliet” Jake và Elwood Blues - hai nhân vật hát nhạc R&B và soul lên đường kiếm 5.000 USD “bằng cách lương thiện” để cứu giúp nhà trẻ mồ côi nơi họ từng được các bà sơ nuôi dạy. Tất nhiên, bộ phim hài âm nhạc nổi tiếng này dùng những cuộc phiêu lưu làm nền cho các bài hát với sự tham gia của Ray Charles, Aretha Franklin và James Browns.


Cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, bị cảnh sát truy đuổi, biểu diễn tại quán bar tỉnh lẻ dành cho giới cowboy đằng sau lưới bảo vệ hay trong nhà tù, thì “anh em nhà Blue” vẫn luôn mặc complê đen, áo sơ mi trắng, đeo cà vạt “slim” màu đen, đội mũ phớt và đeo kính Wayfarer của Rayban. Nếu có ai còn thắc mắc thế nào là phong cách cá nhân thì bộ phim là câu trả lời thích đáng nhất.

10. The Godfather (1972, 1974, 1990)

Bộ ba cuốn phim kinh điển của điện ảnh thế giới kể về dòng họ Corleone, gia đình mafia gốc Sicily, Ý sống tại Mỹ trong những năm 1945 - 1955. Phim lăng xê phong cách “sành điệu mafia” trong điện ảnh cũng như trong thời trang nam giới qua hình ảnh người đàn ông quyền thế, trọng “danh dự” với “những lời đề nghị không thể cưỡng lại được.”


"Sành điệu mafia" hấp dẫn cả điện ảnh lẫn thời trang, kết hợp lối sống phô trương, vương giả và sự tàn bạo lạnh lùng của những người đạt được sự giàu có bằng con đường bất lương. Trang phục tinh tế may đo từ các chất liệu đắt tiền, lụa là, lông thú, trang sức vàng bạc cùng các phụ kiện làm từ da ca sấu đắt tiền nhất. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa của thế giới ngầm, “Bố già” là hình ảnh được lý tưởng hóa, tô hồng thế giới tội phạm và trở thành cuốn cẩm nang hành động cho chính các thành viên mafia chính hiệu./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục