Mưa đã ngừng từ lúc nào. Cả con đường vắt qua khu vực chợ Long Biên vắng tanh giờ chỉ có tiếng gió rít liên miên. Chị Nguyễn Thị Lan (Thái Bình) sợ những ngày gió mạnh như thế. Vì chỉ cần một cơn gió xộc mạnh tới, cả kiện hàng 30, 40 cân trên vai như thể bị ai giằng một đầu, mệt tới đứt hơi để giữ lại.
Đăm đăm dõi ra khoảng đường tối, người đàn bà làm nghề cửu vạn ở khu vực chợ đầu mối Long Biên nói khe khẽ: “Hai vợ chồng đi làm cả năm, chịu khổ thành quen. Thế nhưng, sợ nhất là khi Tết đến, vì chẳng biết kiếm đâu ra tiền mua quà về ăn Tết.”
Với những người làm công như chị, gần Tết chính là thời điểm “vàng” khi hàng từ các tỉnh cập bến khu vực chợ đầu mối. Người ta tranh nhau vác từng sọt hoa quả để nhận vài nghìn đồng tiền công. Chỉ ra chỗ một đám thanh niên xúm đông kịt, chị bảo, với những thùng hàng nặng 60 cân, sức chị ngày trước còn khệ nệ bê được, chứ bây giờ chị chẳng dám liều. Chị chỉ đợi những kiện hoa quả, mỗi kiện nặng khoảng 30 cân. Mỗi lần như thế, người ta trả cho 2.000-3.000 đồng.
Thở dài, xoa bàn tay xương xẩu, chị Lan bảo, những ngày cuối năm này, nhà nhà người ta đã chuẩn bị sắm Tết đầy đủ lắm rồi. Nhưng với những người như chị, nghĩ đến Tết sao mà nóng ruột thế. Chị với anh nhà còn phải ở lại Hà Nội cố kiếm nốt những chuyến hàng cuối.
“Năm nay kiếm tiền khó khăn, đến ngày cuối cùng của năm hai vợ chồng mới về được, đành nhờ hết vào ông bà ở nhà chuẩn bị Tết.” chị Lan lúng búng.
Cách đó dăm chục bước chân, phía gần bờ sông, anh Lê Văn Học (Thanh Hoá) bị tiếng chợ ồn ào đánh thức dậy từ lúc nào. Cái lều căng bằng vải bạt xanh của Học qua mấy ngày thông thống gió đã nghiêng hẳn về một phía.
Học làm nghề bán hàng dạo, thôi thì đủ thứ, từ cái bấm móng tay, móc chìa khoá đến cả gói bông cỏn con. Học bảo, nhà Học có 2 đứa, năm nay đứa lớn nhà anh vào lớp 1, đã biết đòi bố cái áo rét mới. Thế nên mấy ngày này, Học cứ lang thang khắp các phố từ sớm đến tận tối mịt.
Hôm rồi, Học cũng được đoàn thanh niên về tặng ít quần áo cũ. Nghĩ đến bà xã với hai đứa con ở nhà, Học sướng rơn. Lần này về Tết, chí ít Học cũng có túi quà thật to cho mọi người.
“Tết này chẳng lo quà về thăm nhà nữa. Lại có ít dành dụm để lì xì cho mấy đứa. Miếng ăn thì ở nhà rau quả sẵn có. Thế là đủ vui ngày Tết rồi,” Học tâm sự.
Không bấp bênh như những người lao động hè phố, thế nhưng, một cái Tết ấm no vẫn là điều khiến nhiều công nhân ở các khu công nghiệp thấp thỏm những ngày này.
Anh Nguyễn Văn Hưng và chị Nguyễn Thị Lý lấy nhau được gần ba năm, cả hai cùng là công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long.
Với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, cơ bản chỉ đủ trang trải cho bản thân, tháng nào tằn tiện lắm cả hai anh chị mới tích góp ra được khoảng 200.000-300.000 đồng.
Anh Hưng tâm sự: “Hai vợ chồng lương đều thấp, Tết này đều mong có tiền thưởng kha khá để có tiền mua quà cho bố mẹ, bánh kẹo cho các em, không lẽ tay không về quê ăn Tết. Vậy mà công ty tôi đã thông báo không có tiền thưởng, công ty vợ vẫn chưa có thông báo chính thức, hai vợ chồng vẫn đang chờ đợi.”
Làm quần quật cả năm, đến những ngày cuối cùng, cánh công nhân như Hưng khấp khởi đợi tiền thưởng. Hưng biết, có khi chỉ là vài trăm nghìn đồng, nhưng như thế cũng đỡ kha khá khoản xe cộ đi lại, có khi lại thêm được ít quần áo mới mang về. Nhưng rồi, đợi mãi, hai vợ chồng Hưng đành lắc đầu ngao ngán khi hôm trước, công ty chỉ chúc Tết công nhân suông. Tiền thì đành đợi năm sau công ty làm ăn khấm khá hơn.
Nhìn ra dãy nhà trọ chen chúc, Hưng rầu rầu, quê hai vợ chồng ở Phú Thọ, thế mà Tết dương lịch cả hai vợ chồng đã không dám về quê mà để dành đến Tết âm lịch có tiền mua quà Tết cho gia đình hai bên mới về.
“Nếu cả hai vợ chồng không có tiền thưởng thì chỉ còn cách sắm quà tết là ít bánh kẹo bằng tiền tích góp cả năm. Thôi thì, về gặp con cái, gia đình là cũng vui rồi,” Hưng gượng cười.
Tết Nguyên đán đang đến gần, hàng nghìn người lao động vẫn đang miệt mài làm việc với hy vọng một cái Tết ấm no. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh từ khắp nơi lên Hà Nội làm các công việc tự do như xe ôm, cửu vạn, bán hàng rong, nhặt rác... ngoài ra còn có một số lượng lớn công nhân nhập cư./.
Đăm đăm dõi ra khoảng đường tối, người đàn bà làm nghề cửu vạn ở khu vực chợ đầu mối Long Biên nói khe khẽ: “Hai vợ chồng đi làm cả năm, chịu khổ thành quen. Thế nhưng, sợ nhất là khi Tết đến, vì chẳng biết kiếm đâu ra tiền mua quà về ăn Tết.”
Với những người làm công như chị, gần Tết chính là thời điểm “vàng” khi hàng từ các tỉnh cập bến khu vực chợ đầu mối. Người ta tranh nhau vác từng sọt hoa quả để nhận vài nghìn đồng tiền công. Chỉ ra chỗ một đám thanh niên xúm đông kịt, chị bảo, với những thùng hàng nặng 60 cân, sức chị ngày trước còn khệ nệ bê được, chứ bây giờ chị chẳng dám liều. Chị chỉ đợi những kiện hoa quả, mỗi kiện nặng khoảng 30 cân. Mỗi lần như thế, người ta trả cho 2.000-3.000 đồng.
Thở dài, xoa bàn tay xương xẩu, chị Lan bảo, những ngày cuối năm này, nhà nhà người ta đã chuẩn bị sắm Tết đầy đủ lắm rồi. Nhưng với những người như chị, nghĩ đến Tết sao mà nóng ruột thế. Chị với anh nhà còn phải ở lại Hà Nội cố kiếm nốt những chuyến hàng cuối.
“Năm nay kiếm tiền khó khăn, đến ngày cuối cùng của năm hai vợ chồng mới về được, đành nhờ hết vào ông bà ở nhà chuẩn bị Tết.” chị Lan lúng búng.
Cách đó dăm chục bước chân, phía gần bờ sông, anh Lê Văn Học (Thanh Hoá) bị tiếng chợ ồn ào đánh thức dậy từ lúc nào. Cái lều căng bằng vải bạt xanh của Học qua mấy ngày thông thống gió đã nghiêng hẳn về một phía.
Học làm nghề bán hàng dạo, thôi thì đủ thứ, từ cái bấm móng tay, móc chìa khoá đến cả gói bông cỏn con. Học bảo, nhà Học có 2 đứa, năm nay đứa lớn nhà anh vào lớp 1, đã biết đòi bố cái áo rét mới. Thế nên mấy ngày này, Học cứ lang thang khắp các phố từ sớm đến tận tối mịt.
Hôm rồi, Học cũng được đoàn thanh niên về tặng ít quần áo cũ. Nghĩ đến bà xã với hai đứa con ở nhà, Học sướng rơn. Lần này về Tết, chí ít Học cũng có túi quà thật to cho mọi người.
“Tết này chẳng lo quà về thăm nhà nữa. Lại có ít dành dụm để lì xì cho mấy đứa. Miếng ăn thì ở nhà rau quả sẵn có. Thế là đủ vui ngày Tết rồi,” Học tâm sự.
Không bấp bênh như những người lao động hè phố, thế nhưng, một cái Tết ấm no vẫn là điều khiến nhiều công nhân ở các khu công nghiệp thấp thỏm những ngày này.
Anh Nguyễn Văn Hưng và chị Nguyễn Thị Lý lấy nhau được gần ba năm, cả hai cùng là công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long.
Với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, cơ bản chỉ đủ trang trải cho bản thân, tháng nào tằn tiện lắm cả hai anh chị mới tích góp ra được khoảng 200.000-300.000 đồng.
Anh Hưng tâm sự: “Hai vợ chồng lương đều thấp, Tết này đều mong có tiền thưởng kha khá để có tiền mua quà cho bố mẹ, bánh kẹo cho các em, không lẽ tay không về quê ăn Tết. Vậy mà công ty tôi đã thông báo không có tiền thưởng, công ty vợ vẫn chưa có thông báo chính thức, hai vợ chồng vẫn đang chờ đợi.”
Làm quần quật cả năm, đến những ngày cuối cùng, cánh công nhân như Hưng khấp khởi đợi tiền thưởng. Hưng biết, có khi chỉ là vài trăm nghìn đồng, nhưng như thế cũng đỡ kha khá khoản xe cộ đi lại, có khi lại thêm được ít quần áo mới mang về. Nhưng rồi, đợi mãi, hai vợ chồng Hưng đành lắc đầu ngao ngán khi hôm trước, công ty chỉ chúc Tết công nhân suông. Tiền thì đành đợi năm sau công ty làm ăn khấm khá hơn.
Nhìn ra dãy nhà trọ chen chúc, Hưng rầu rầu, quê hai vợ chồng ở Phú Thọ, thế mà Tết dương lịch cả hai vợ chồng đã không dám về quê mà để dành đến Tết âm lịch có tiền mua quà Tết cho gia đình hai bên mới về.
“Nếu cả hai vợ chồng không có tiền thưởng thì chỉ còn cách sắm quà tết là ít bánh kẹo bằng tiền tích góp cả năm. Thôi thì, về gặp con cái, gia đình là cũng vui rồi,” Hưng gượng cười.
Tết Nguyên đán đang đến gần, hàng nghìn người lao động vẫn đang miệt mài làm việc với hy vọng một cái Tết ấm no. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh từ khắp nơi lên Hà Nội làm các công việc tự do như xe ôm, cửu vạn, bán hàng rong, nhặt rác... ngoài ra còn có một số lượng lớn công nhân nhập cư./.
Xuân Hồng (Vietnam+)