Những “cầu nối văn hóa” đặc biệt tại AUG thứ 15

Mỗi kỳ Đại hội Thể thao sinh viên sinh viên Đông Nam Á, “giao lưu văn hóa” là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất mà các nước.
Mỗi kỳ Đại hội Thể thao sinh viên sinh viên Đông Nam Á, “giao lưu văn hóa” là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất mà các nước đều hướng tới.

Trong những ngày diễn ra Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 15 năm 2010 (AUG 15) (từ 15/12-23/12), ngoài tập trung thi đấu, các vận động viên, tình nguyện viên, cán bộ lãnh đạo các đoàn còn có cơ hội giao lưu với nhau qua các chương trình ca nhạc, các chuyến tham quan.

Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 15 có gần 200 tình nguyện viên tới từ nhiều trường đại học khác nhau ở Chiang Mai (Thái Lan), trong đó riêng đoàn Việt Nam có 19 tình nguyện viên luôn theo sát hỗ trợ, giúp đỡ.

Các tình nguyện viên Thái Lan cũng rất quý mến những vận động viên Việt Nam có lứa tuổi tương đương mình. Phimnipha Phengphai - tình nguyện viên của đội Pencak Silat Việt Nam là cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn và gương mặt xinh đẹp nhìn thoáng rất giống người Việt Nam.

Khi được hỏi về ấn tượng với các bạn Việt Nam, Phimnipha hào hứng chia sẻ, bạn ấn tượng nhất là khả năng hài hước của người Việt Nam. Các bạn vận động viên lúc nào cũng hào hứng, nhiệt tình, dù vừa thi đấu căng thẳng, người còn đầy mồ hôi, tay còn run rẩy nhưng họ vẫn luôn tươi cười.

Không chỉ các tình nguyện viên mà cả vận động viên của các nước cũng rất thích những người bạn tới từ Việt Nam vì sự hồn nhiên, nhiệt tình và vui vẻ của họ. Trên các chuyến xe bus chở vận động viên, các vận động viên Việt Nam luôn là những “hoạt náo viên” khiến quãng đường từ khách sạn tới địa điểm thi đấu có khi cách xa vài chục km trở nên gần hơn và xua tan nỗi mệt mỏi của các vận động viên khác.

Parujee Akarasewi và Sittisak Changchai là hai tình nguyện viên chuyên đi theo lãnh đạo của đoàn Việt Nam. Parujee chia sẻ, bạn không ngờ các lãnh đạo đoàn của Việt Nam lại dễ gần và thân thiện như thế.

Parujee chỉ vào những chiếc huy hiệu gài trên thẻ tình nguyện viên của mình, hồ hởi chia sẻ, chiếc huy hiệu có biểu tượng của thể thao Việt Nam là do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý - Chủ tịch Hội Thể thao Đại học và Chuyên nghiệp của Việt Nam tặng cho bạn.

Hay Luetsunton Tongtaluang - tình nguyện viên của đội Karatedo Việt Nam thì chia sẻ, dù có vận động viên Việt Nam không giỏi tiếng Anh nhưng họ vẫn luôn cố gắng để giao tiếp, chia sẻ cùng các tình nguyện viên cũng như các bạn bè ở nước khác. Luetsunton chia sẻ điều ấn tượng nhất ở các vận động viên Việt Nam là nụ cười thân thiện, rạng rỡ.

Ngay cả huấn luyện viên đội Karatedo Phạm Trần Nguyên là người có gương mặt rất nghiêm khắc nhưng thật ra lại rất quan tâm, chăm sóc mọi người. Ông cũng là người hài hước và hay kể cho Luetsunton những câu chuyện về Việt Nam. Nhờ đó, dù chưa tới Việt Nam bao giờ nhưng bạn vẫn có thể hình dung phần nào về đất nước, con người Việt Nam và có thêm động lực cố gắng học tập để một ngày nào đó có thể tới thăm những người bạn tại đất nước xinh đẹp này.

Riêng Sittisak là “hot boy” được rất nhiều thành viên đoàn Việt Nam quý mến vì cậu có thể nói tiếng Việt rất khá và là “thông dịch viên” bất đắc dĩ mỗi khi ai đó gặp khó khăn trong giao tiếp. Sittisak có cái tên thân mật khá ngộ nghĩnh - “Tò” - và thường bị các bạn Việt Nam trêu khi gọi cậu là “tò tò.”

Có một “đại sứ văn hóa” đặc biệt nữa của Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm nay trong đoàn Việt Nam là Giám đốc trung tâm Giáo dục thể chất của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Phan Ngọc Thiết. Với biệt tài hát được quốc ca của toàn bộ các nước tham dự AUG15th, “bác Thiết” là người được rất nhiều bạn bè quốc tế yêu quý, ngưỡng mộ.

Mỗi khi quốc ca của nước nào cất lên tại AUG 15th, ông lại hòa giọng cùng vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên của nước đó, cất cao lời hát. Hiện nay, ông Phan Ngọc Thiết có thể hát trọn vẹn và đệm đàn piano được quốc ca của 80 nước trên thế giới.

Chia sẻ lý do học quốc ca các nước, ông Thiết cho biết, năm 2008, trong một lần xem thời sự về Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Venexuela, nước bạn đã hát quốc ca Việt Nam và ông cảm thấy rất xúc động. Ông quyết định học quốc ca các nước để thể hiện tinh thần hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam.

Tại AUG 15, ngoài “cống hiến tiếng hát” sau các trận đấu, ông Thiết còn sẵn sàng giao lưu với những người dân bản xứ tại Chiang Mai và bất kỳ lần nào ông cất cao giọng hát cũng mang lại những cảm xúc đặc biệt cho họ./.

Ngọc Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục