Trong suốt gần 20 năm làm phóng viên chính trị-ngoại giao chuyên trách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Lê Trí Dũng, nguyên Trưởng Ban Biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam đã học được nhiều điều từ phong cách sống và tư tưởng lớn lao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Mỗi chuyến đi công tác cùng Tổng Bí thư, dù ở trong nước hay nước ngoài, tôi thấy ông luôn quan tâm, quý mến báo giới. Có lẽ, do chính cuộc đời 30 năm làm báo (1976-1996) đã giúp ông thấu hiểu, sẻ chia thân tình với các nhà báo,” ông Lê Trí Dũng tâm sự.
'May mắn khi được gần gũi một nhân cách lớn'
Nhà báo Lê Trí Dũng còn nhớ tháng 6/2006, ông được lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam giao nhiệm vụ chuyên trách Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Từ tháng 1/2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Tổng Bí thư, có thời kỳ kiêm nhiệm Chủ tịch nước (23/10/2018-2/4/2021).
Suốt 18 năm qua, nhà báo Lê Trí Dũng đã có nhiều trải nghiệm để nhận ra rằng người lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhân cách lớn mà vô cùng giản dị, gần gũi.
Theo nhà báo Lê Trí Dũng, khi gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, Tổng Bí thư luôn giữ phong thái đĩnh đạc, chú ý đến từng chi tiết nhỏ, nêu cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
“Sau những chuyến bay dài đến nửa vòng Trái Đất, cả đoàn công tác ai nấy đều khá mệt mỏi, vậy nhưng khi cửa máy bay mở ra là Tổng Bí thư sẵn sàng xuất hiện với phong thái đường hoàng, tươi cười vẫy tay chào lãnh đạo và nhân dân nước bạn đang chờ đón đoàn. Tất nhiên, tôi luôn phải xuống trước, sẵn sàng máy móc để ‘bắt’ được khoảnh khắc đó,” ông Dũng kể.
Nhà báo Lê Trí Dũng có một kỷ niệm đáng nhớ khi chuyên trách Tổng Bí thư. Đó là ngày 7/7/2015, ông là phóng viên Việt Nam duy nhất được vào Phòng Bầu dục để tác nghiệp cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức sau 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Đây là cuộc gặp gỡ quan trọng để hai bên xác định tầm nhìn, định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước trong chặng đường tiếp theo. Cuộc hội đàm ban đầu dự kiến diễn ra trong khoảng 40 phút nhưng thực tế đã kéo dài đến hơn 90 phút.
“Suốt chuyến đi đó, tôi đã chụp hàng nghìn bức ảnh, phản ánh nội dung buổi làm việc quan trọng cùng những ấn tượng tốt đẹp của người dân và truyền thông Mỹ đối với chuyến thăm của Tổng Bí thư,” ông Dũng nhớ lại.
Theo lời kể của ông Dũng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bữa tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Washington đã lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.”
Vào ngày 23/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam, chính thức tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, chứng tỏ sự tin cậy chính trị như hai bên đã mong muốn… Kết thúc bài diễn văn của mình, ông Obama lại lẩy Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi.”
Bên cạnh việc gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, Tổng Bí thư luôn dành thời gian gặp gỡ kiều bào, dù lịch trình vô cùng eo hẹp.
Tổng Bí thư giản dị, ân cần thăm hỏi kiều bào về cuộc sống và công việc của họ, lắng nghe những nguyện vọng, tâm tư mà họ gửi gắm tới Đảng và Nhà nước, dặn dò kiều bào luôn đoàn kết, tôn trọng pháp luật nước sở tại và luôn hướng về Tổ quốc, giữ gìn chất nhân văn của người Việt Nam.
"Tôi cảm nhận được rằng trong trái tim kiều bào, Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo đáng kính, mang đến cho họ cảm giác ấm áp như được gần gũi với quê hương,” ông Dũng nói.
Với những chuyến công tác trong nước, nhà báo Lê Trí Dũng cho hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đi đến tận cơ sở, các xã, thôn, bản để nắm tình hình dân sinh.
Chính trong những lần “theo chân” Tổng Bí thư đi cơ sở như vậy mà nhà báo Lê Trí Dũng có được một tác phẩm ảnh đoạt Giải báo chí về Xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng năm 2017. Trong sáu tác phẩm đạt Giải A, có một tác phẩm ảnh đơn duy nhất. Đó là tác phẩm “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai.”
Ngày 12/4/2017, Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngồi trên bậc cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết, gắn bó với người dân.
“Tôi còn nhớ con đường đến xã Ayun là đường đất đỏ, bụi cuốn mịt mù. Thời tiết hôm đó rất nắng nóng nhưng vừa đến nơi là Tổng Bí thư nhanh nhẹn đi thăm hỏi bà con. Nhà thương binh Đinh Phi rất nghèo, lợp mái tôn, chỉ có một khung cửa nhỏ, thấp. Tổng Bí thư không ngần ngại ngồi ngay ở bậc cửa, nói chuyện thân mật, cởi mở với thương binh Đinh Phi,” ông Dũng kể.
Ông Dũng cho rằng đây chỉ là một trong vô vàn hình ảnh công tác, sinh hoạt đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta luôn thể hiện phong thái, lối sống mực thước, bình dị, gần gũi với quần chúng nhân dân.
Những bài học từ Tổng Bí thư
Trong suốt gần 20 năm kề cận với một nhân cách lớn như vậy, bản thân ông Dũng đã học hỏi được rất nhiều.
Điều đầu tiên chính là cách tổ chức công việc chính xác, rõ ràng khoa học, thể hiện qua việc lưu trữ các album ảnh.
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, sau các sự kiện hay chuyến công tác, phóng viên chuyên trách in các bức ảnh ra, lưu vào album, đi kèm hình ảnh là chú thích rõ ràng về thời gian, địa điểm, nội dung sự kiện. Ở gáy mỗi cuốn album lại ghi chú về thời gian chụp các bức ảnh từ giai đoạn nào đến giai đoạn nào để khi cần Tổng Bí thư có thể dễ dàng tra cứu.
Cách lưu trữ khoa học, rõ ràng như vậy đã trở thành thói quen của nhà báo Lê Trí Dũng nhiều năm qua, dù là lưu “bản cứng” trong album hay “bản mềm” trong các tệp lưu trữ máy tính.
Tổng Bí thư chưa từng có yêu cầu đặc biệt đối với các phóng viên báo chí, chỉ nhắc các phóng viên chuẩn bị thật tốt trước những sự kiện quan trọng hay các chuyến công tác. Đặc biệt với Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan duy nhất hai lần nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc), Tổng Bí thư bày tỏ sự tin tưởng và tín nhiệm cao.
“Tổng Bí thư nhắc chúng tôi giữ vững lập trường tư tưởng, cùng nhau xây dựng tập thể đoàn kết, tận tâm, tận tụy với công việc, phải biết chia sẻ với nhau trong cuộc sống đời thường, cũng như trong công tác, cùng nhau nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao,” ông Dũng cho biết.
Ông Dũng rất cảm động khi Tổng Bí thư luôn lưu tâm đến “cánh” phóng viên báo chí, thường xuyên hỏi “các anh em đã kịp ăn gì chưa” và “có gì khó khăn khi tác nghiệp không?”
Vào dịp Tết hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư thường tổ chức chiêu đãi các phóng viên một bữa cơm ngay tại văn phòng và cùng ngồi ăn với các phóng viên hết sức thân tình.
Cá nhân ông Dũng có một vinh dự to lớn là được Tổng Bí thư đến thăm nhà vào dịp Tết năm Ất Mùi 2015.
“Tổng Bí thư bắt tay các thành viên trong gia đình, uống nước chè, ăn kẹo lạc, vô cùng giản dị và gần gũi. Người cũng rút phong bao lì xì theo đúng phong tục cổ truyền, như người cha, người ông trong gia đình mừng tuổi cháu nhỏ, khiến chúng tôi rất xúc động,” ông Dũng rưng rưng kể.
Với một phóng viên chuyên trách, được gần gũi với Tổng Bí thư suốt gần 20 năm qua là trải nghiệm quý giá trong sự nghiệp báo chí của nhà báo Lê Trí Dũng./.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về nhà báo Lê Trí Dũng:
"Hầu hết những bức ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Thông tấn xã Việt Nam phát đi trong nước và ra thế giới đều do anh bấm máy. Có lẽ nhà báo Lê Trí Dũng đã chụp được cả ngàn bức về Tổng Bí thư đáng kính mến của chúng ta.
Chụp ảnh báo chí về đề tài chính trị-ngoại giao, nhất là chụp các chính trị gia vốn là việc rất khó. Phóng viên ảnh ngoài kỹ năng chuyên môn phải có phẩm chất, nhãn quan chính trị, kiến thức hiểu biết, nhất là về đối nội, đối ngoại của đất nước, về các vấn đề lễ tân ngoại giao, văn hóa dân tộc, vùng miền, các quốc gia nơi lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến công tác. Rồi cả phải thông thạo ngoại ngữ và phải có sức khỏe tốt, đủ chiều cao để 'đọ' với các đồng nghiệp quốc tế khi tác nghiệp.
Mong rằng nhà báo Lê Trí Dũng có thể làm một triển lãm hoặc xuất bản một cuốn sách ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những bức ảnh quý giá của anh chụp Tổng Bí thư sẽ là pho lịch sử bằng hình ảnh về một trong những vĩ nhân của Việt Nam."