Trang phục truyền thống là một trong những thành tố quan trọng làm nên bản sắc của người Bahnar. Trải qua quá trình sinh sống gắn bó lâu dài với tự nhiên, người Bahnar đã tạo ra bộ trang phục truyền thống gần gũi với thiên nhiên, thể hiện đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của tộc người Bahnar trên đất Gia Lai ở phía Đông dãy Trường Sơn. Đã bao đời nay, người Bahnar sinh sống hòa hợp với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên. Vì vậy, trang phục người Bahnar ít nhiều thể hiện yếu tố tự nhiên. Người Bahnar trồng cây bông vải lấy sợi se thành chỉ rồi nhuộm màu, dệt nên những bộ trang phục truyền thống.
Ngày nay, người Bahnar có thể mua chỉ ở chợ thay cho chỉ làm từ cây bông vải song vẫn đem về nhuộm theo cách truyền thống, tạo màu sắc tự nhiên rồi mới dệt. Nếu so sánh với một số tộc người thiểu số bản địa ở Tây Nguyên thì có lẽ váy, áo của các thiếu nữ Bahnar nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản hơn cả nhưng trên thực tế lại đòi hỏi người dệt sự công phu và tỉ mỉ. Sự tỉ mỉ ấy thể hiện qua màu sắc, đường nét hoa văn ở vai, ngực và gấu áo. Nhằm tô thêm vẻ đẹp cho váy, áo, các thiếu nữ Bahnar còn sử dụng những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, vòng trang sức gắn bạc, đồng. Họ thường đeo chuỗi hạt cườm ở cổ theo kiểu hình nón cụt, quanh bụng đeo vòng đồng, dành phần giữa thân áo, váy và hai ống tay để trang trí hoa văn theo bố cục hình học và yếu tố thiên nhiên. Thắt lưng váy được thêu hoa văn và tua vải. Những hoa văn trang trí này không phải ra đời trong phút chốc mà nó được hình thành trong quá trình lao động và sản xuất của người Bahnar. Trong trang phục truyền thống của phụ nữ Bahnar còn có một nét đặc biệt, đó là áo có ống tay nhưng ít khi sử dụng, chủ yếu để không, tạo sự duyên dáng, uyển chuyển trong từng bước đi. Ngoài ra, váy của họ không được may dài như váy của phụ nữ Êdê hay các tộc người khác. Váy của phụ nữ Bahnar cố ý để hở bắp đùi thể hiện nét đẹp hình thể. Phụ nữ Bahnar thường nói với nhau rằng “áo mặc không xỏ tay, váy mặc không may kín” là vì vậy. Nếu như trang phục phụ nữ Bahnar thiên về sự duyên dáng, tập trung nhiều vào họa tiết, thì đối với đàn ông Bahnar, trang phục thường thể hiện sự khỏe khoắn, phục vụ cho nghi lễ. Đàn ông Bahnar đóng khố, mặc áo vải thô, nhuộm màu nâu, đen. Áo dạng chui đầu, xẻ cổ, thường không có ống tay, gấu áo có họa tiết thanh gươm, con chim, công cụ sản xuất được cách điệu khéo léo để khi mặc vào cơ bắp không bị che lấp.
Trang phục đàn ông Bahnar chứa đựng giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện chức năng xã hội của người mặc. Vào dịp lễ hội, đàn ông Bahnar với thân hình khỏe mạnh, cường tráng, cuốn khố, thường búi tóc sau gáy, đầu đeo lông chim, buộc khăn chéo ngực, tay cầm đao, khiên nhảy múa cầu Yang trên nền nhạc trầm hùng của cồng chiêng. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu đi lại cũng nhiều hơn, trong lúc trang phục truyền thống lại khá cầu kỳ nên người Bahnar chủ yếu sử dụng bộ trang phục này vào những dịp hội hè, lễ tết như lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà Rông hay đám cưới góp phần bảo tồn, gìn giữ một nét văn hóa độc đáo của người Bahnar./.
(Báo Ánh Việt Nam/Vietnam+)