Những người giàu thích làm việc hơn là hưởng thụ

Một khảo sát mới đây cho thấy, nhiều triệu phú, tỷ phú trên thế giới muốn tiếp tục làm việc dù họ đủ giàu để nghỉ ngơi và hưởng thụ.
Một khảo sát mới đây của Barclays Wealth, hãng chuyên quản lý tài sản của những người giàu có (trụ sở tại London, Anh) cho thấy tại Hongkong cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, một số lượng lớn các triệu phú, tỷ phú vẫn muốn tiếp tục làm việc bất kể họ đủ giàu để nghỉ hưu.

Barclays Wealth đã thăm dò ý kiến hơn 2.000 cá nhân được xếp loại giàu trên khắp thế giới, trong đó 100 tại Hongkong, về các kế hoạch nghỉ hưu cũng như cuộc sống sau đó. Kết quả cho thấy 70% “đại gia" Hongkong được hỏi nói rằng họ vẫn muốn làm việc dù là bán thời gian sau khi nghỉ hưu dù 74% tự tin rằng họ đủ tiền để sống thoải mái mà không cần nghĩ đến công việc.

Con số trên thấp hơn tỷ lệ 79,8% “hăng say lao động” của các “đại gia” Australia nhưng lại cao hơn khá nhiều mức trung bình 68,1% của toàn thế giới.

Người giàu Singapore và Nhật Bản xem chừng muốn hưởng thụ hơn với tỷ lệ này lần lượt là 44,7% và 38,7%.

Thay vì tiền, hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến kế hoạch nghỉ hưu của các “đại gia” Hongkong là sức khỏe và sự sung sức đối với công việc.

Xét tổng thể nhu cầu khát khao làm việc sau khi nghỉ hưu, đứng đầu bảng là các “đại gia” Arập Xêút với tỷ lệ lên tới 92%, tiếp đó là Nam Phi (88,5%), Mỹ Latin (78,4%), Anh (60,2%) và Hongkong (56%).

Khảo sát trên được tiến hành qua thăm dò ý kiến của các cá nhân sở hữu tài sản có thể đầu tư ở mức ít nhất là 1 triệu bảng Anh. Trong hơn 2.000 người được hỏi ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ này, có 500 đối tượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Joanna Chu, phụ trách khu vực Bắc Á của Barclays Wealth, nhận xét: “Trong khi các thế hệ trước thường tìm cách làm giàu sớm với kế hoạch hưởng thụ sau khi nghỉ hưu thì ngày nay, các đại gia đang có quan điểm mới. Họ là một thế hệ năng động hơn, tích cực hơn, muốn thách thức bản thân mình ngay cả sau độ tuổi nghỉ hưu truyền thống. Thực tế, rất nhiều trong số những người giàu không biết ngơi nghỉ này thích cảm giác thách thức và xóa đi quan niệm cũ về giới hạn độ tuổi làm việc.”

Mặc dù có tài sản đủ giàu cho bản thân như vậy song quan điểm “chữ hiếu” của văn hóa Khổng giáo Trung Quốc vẫn thể hiện khá rõ ở giới “đại gia” Hongkong. Có tới 40% (mức cao nhất) cho biết họ hy vọng được con cái, gia đình hỗ trợ khi về già. Mức trung bình này của thế giới chỉ là 11,3%.

Tuy nhiên, người giàu ở Hongkong lại có một tỷ lệ thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, đó là chỉ phân nửa cho rằng tiết kiệm cho tương lai là ưu tiên hàng đầu. Ở Singapore, tỷ lệ này lên tới 72%, ở Nhật Bản là 63% còn ở Australia là 56%./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục