Theo dự báo RiskMap hàng năm của tổ chức tư vấn về rủi ro Control Risks, tình hình địa chính trị bất ổn trong năm bầu cử ở Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, chiến tranh mạng và tăng trưởng kinh tế yếu trên toàn cầu là những rủi ro hàng đầu đối với các công ty châu Á trong năm 2020.
Thứ nhất, với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020, chiến dịch tranh cử cùng với tiến trình luận tội Tổng thống đang được xúc tiến sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này.
Theo ông Steve Wilford, đối tác cấp cao của Control Risks, bất kỳ giải pháp dài hạn có ý nghĩa nào cho tranh chấp thương mại Mỹ-Trung vẫn còn rất xa vời. Ông nói thêm rằng là một trong những nền kinh tế mở nhất của thế giới, Singapore sẽ dễ bị tổn thương trước những sự bất trắc do những căng thẳng thương mại gây ra.
Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng của quốc gia này sẽ tiếp tục được lợi từ xu hướng rút đầu tư khỏi Trung Quốc và đổ vào các nền kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
[Những thách thức bù trừ của Nhật Bản và các nước châu Á]
Thứ hai, các công ty sẽ phải đối mặt với sức ép từ các nhà hoạt động đối với các vấn đề như bảo vệ môi trường, tình trạng bất bình đẳng, quyền riêng tư…, ở mọi cấp độ từ đường phố đến hội nghị cổ đông và trong nội bộ các công ty. Ở châu Á, sự giận dữ về tình trạng bất bình đẳng và đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu sẽ đẩy các công ty trên khắp khu vực vào những tình thế "tiến thoái lưỡng nan."
Những mối đe dọa về mạng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, là rủi ro thứ ba. Ngoài Trung Quốc, châu Á cũng có nguy cơ trở thành “chiến trường ủy nhiệm” cho các hoạt động gián điệp mạng, nhằm vào không chỉ các nhà nước mà còn cả các công ty có quyền sở hữu trí tuệ hay là mối quan tâm của các tin tặc.
Rủi ro thứ tư là sức tăng trưởng kinh tế yếu trên thế giới, mặc dù điều này được cho là ít nghiêm trọng hơn ở khu vực châu Á, nơi không có nền kinh tế chủ chốt nào dường như có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, châu Á sẽ vẫn là "điểm sáng" cho tăng trưởng trong bức tranh toàn cầu nhiều gam màu tối hiện nay./.